CUỘC TRANH CỬ CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ ĐẢNG CỘNG HÒA

 

Th.S Khổng Minh Ngọc Mai

Trong các cuộc bầu cử, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa gần như giữ độc quyền giới thiệu ứng cử viên ra tranh cử. Kể từ năm 1860 đến nay, thông qua các cuộc bầu cử, những người Dân chủ và Cộng hòa đã chia nhau kiểm soát nền chính trị Mỹ, nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền như chức Tổng thống, nghị sỹ Quốc hội, chức Thống đốc bang và cơ quan lập pháp cấp bang. Theo các nhà phân tích chính trị, có gần 2/3 dân Mỹ tự coi mình là người của Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ. Thậm chí ngay cả những người được coi là cử tri độc lập cũng có xu hướng ủng hộ hai đảng này. Trong các cuộc bầu cử được tiến hành từ năm 1980 đến 1996, trung bình có khoảng 75% số cử tri độc lập đã bỏ phiếu ứng cử cho ứng viên Tổng thống của một trong hai đảng trên.

Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên được tổ chức vào năm 1789. Kỳ bầu cử kế tiếp vào năm 1792 (cách 3 năm) và sau đó cứ 4 năm một lần, trùng hợp vào những năm chẵn - năm chia hết cho 4 như 1796, 1824, 1980, 2008...  Năm 2000, George W. Bush - ứng viên hàng đầu cho vị trí đại diện Đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống với ứng viên Đảng Dân chủ Al Gore. Cuộc bầu cử năm 2000 là một trong những cuộc đua tranh sít sao nhất trong lịch sử tranh cử Tổng thống. Sau nhiều lần tranh tụng và soát lại phiếu, G. Bush đã dành chiến thắng, trở thành Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ và là người thứ hai theo bước chân cha mình (Tổng thống thứ 41 George Herbert Walker Bush, 1989 – 1993) bước vào phòng Bầu Dục.

Trong cuộc bầu cử năm 2000, Tổng thống đắc cử G. Bush (Đảng Cộng hòa) có 271 cử tri đại biểu với 50.460.110 phiếu (47.9%); ứng cử viên Albert A. Gore (đảng Dân Chủ)  được 266 cử tri đại biểu nhưng có số phiếu dân bầu cao hơn 51.003.926 (48.4%).

Mặc dù, nhiệm kỳ đầu tiên Tổng thống Bush đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq, nhưng với sự nỗ lực cùng việc đưa ra những chính sách mới trong chiến lược tranh cử, với số phiếu 51% (so với 49% của Thượng nghị sĩ Kerry), Tổng thống G.W.Bush đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2 trong một cuộc bầu cử “nghẹt thở” từ phút đầu cho đến phút cuối và gay cấn không thua gì cuộc bầu cử năm 2000. Theo kết quả kiểm phiếu tối ngày 3/11/2004, Tổng thống G. Bush giành chiến thắng ở 28 bang, với 254 phiếu đại cử tri, 58.350.976  phiếu phổ thông, tương đương 51%. Thượng nghị sĩ J. Kerry thắng ở 20 bang, với 252 phiếu đại cử tri, 54.836.234 phiếu phổ thông, tương đương 48%. Kết quả kiểm 90% điểm bỏ phiếu tại bang Ohio, đương kim Tổng thống G.W. Bush vượt ông Kerry 100.000 phiếu (tương đương 51%) [72]. Ông Bush đã tuyên bố chiến thắng tại bang này và giành trọn 20 phiếu đại cử tri. Như vậy, ông Bush đã đạt được 274 phiếu. Thượng nghị sĩ Kerry chỉ thua sít sao 48%. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ diễn ra cùng ngày, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Đảng Cộng hòa tiếp tục chiếm đa số tại cả Thượng và Hạ viện, giành 52/100 ghế tại Thượng viện, nhiều hơn một ghế mà họ đang nắm giữ và 226 trong tổng số 435 ghế tại Hạ viện.

 Ngay từ khi còn vận động cử tri, Tổng thống Bush từng cam kết sẽ đưa ra một chính sách đối nội "táo bạo" và tiếp tục chính sách đối ngoại theo hướng giải quyết những xung đột còn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ hai, G.W. Bush đã phải đứng trước những thách thức về đối nội và đối ngoại: Khó khăn trong cuộc chiến ở Iraq, cuộc chiến chống khủng bố, chính sách ngoại giao đơn phương, an ninh năng lượng, vấn đề môi trường, tăng việc làm khôi phục nền kinh tế… Tổng thống Bush cũng không thể giải quyết hết những thách thức đó trong thời gian cầm quyền. Sự phản ứng chậm trễ của chính quyền Bush trong thảm họa Bão Katrina – trận thiên tai đã phá hủy New Orleans tháng 8/2005, khiến Bush bị chỉ trích và sự ủng hộ dành cho ông cũng bắt đầu tụt dốc. Cuộc chiến tranh ở Iraq đã làm cho uy tín, sức mạnh và vị trí của nước Mỹ đối với cộng đồng thế giới ngày càng giảm sút. Tổng thống Bush đã khiến cho nước Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến không có thắng lợi, cạn kiệt nguồn lực trong nước. Chính vì vậy, trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006 - nhiệm kỳ hai của Bush đã đưa lại quyền kiểm soát cho Đảng Dân chủ tại Thượng và Hạ viện Mỹ sau 12 năm.

Với thắng lợi của ứng cử viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Thống đốc bang Virginia, số ghế của Đảng Dân chủ tại Thượng viện tăng lên con số 51, trở thành đảng đa số ở Thượng viện. Ngoài ra, Đảng Dân chủ cũng giành được quyền kiểm soát tại Hạ viện với 229 ghế. Như vậy, với thất bại của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Quốc hội, Tổng thống Bush không còn khả năng thao túng như trước. Điều này cũng tạo thuận lợi cho Đảng Dân chủ trong việc thương lượng với Nhà trắng các vấn đề, như về vấn đề rút quân đội Mỹ ở Iraq, chính sách phát triển nền kinh tế... Đồng thời, khi nắm trọn Quốc hội Đảng Dân chủ cũng phải chịu trách nhiệm trong các vấn đề của Quốc hội và tìm cách chứng tỏ họ có đủ khả năng giải quyết mọi vấn đề do Bush gây ra.

Sự thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, cùng với sự bất mãn dành cho chính quyền Bush ngày càng tăng mạnh cả trong nước và ngoài nước, chủ yếu là do cuộc chiến tại Iraq vẫn tiếp diễn. Những bê bối liên quan đến việc lạm dụng tù nhân tại Abu Ghraib ở Baghdad và hành vi đối xử với nghi phạm khủng bố tại các nhà giam như trại X-Ray ở Guantanamo, Cuba, cũng khiến vị thế quốc tế của Hoa Kỳ bị giảm sút đáng kể. Những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của G. Bush thậm chí còn tồi tệ hơn với nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn và khủng hoảng ngân hàng liền tiếp đó. Nhiều nhà phê bình cho rằng, sự kết thúc nhiệm kỳ của Bush chính là một cơ hội để khôi phục lại hình ảnh của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.

Năm 2008, nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử được coi là quan trọng đối với các chính đảng và cử tri. Cuộc bầu cử Tổng thống có cơ hội công bằng cho các đảng phái, còn được gọi là cuộc bầu cử  "mở", vì ứng cử viên đều không phải là đương kim Tổng thống. Cuộc bầu cử 2008 còn bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 34/100 ghế Thượng viện và 11 ghế Thống đốc bang.

Cuộc bầu cử năm 2008, ứng viên Đảng Dân chủ là Barack Obama (Thượng nghị sĩ bang Illinois). Ông đã đánh bại đối thủ John Mc Cain (Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona) một cách tuyệt đối cả về phổ thông đầu phiếu (52,9% so với 45,7%) lẫn phiếu Đại cử tri (365 phiếu so với 173 phiếu) [56]. Obama đã trở thành chính khách da màu đầu tiên tiếp quản ghế Nhà trắng ở tuổi 47, được coi là một trong những Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong lễ nhậm chức của Tổng thống Obama tại Washington có tới 1,8 triệu người từ khắp nước Mỹ đổ về và là lễ nhậm chức có đông người tham dự nhất trong lịch sử nước Mỹ. Có thể thấy, cuộc tranh cử Tổng thống năm 2008 diễn ra khá dễ dàng với Đảng Dân chủ. Sau tám năm thất bại thảm hại của Đảng Cộng hòa với hai cuộc chiến tai họa, với tra tấn dã man, với trại tù Guantanamo, với chương trình ám sát tự động, với thám thính và nghe lén…, người Mỹ đã chán ngấy chính quyền Bush. Cử tri Hoa Kỳ muốn có thay đổi và đó là cũng chính là lý do khiến ứng viên Obama Đảng Dân chủ cùng những lời hứa của mình đã nhanh chóng bước vào Nhà trắng.

Tổng thống B. Obama lên cầm quyền ở nhiệm kỳ đầu với những thách thức, khó khăn về các vấn đề kinh tế, chính trị và cuộc chiến chống khủng bố do chính quyền tiền nhiệm G. Bush để lại. Những yếu tố khách quan đã tạo bất lợi cho Obama. Chính vì vậy, ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Obama đã có những thay đổi, điều chỉnh các hoạt động của Nhà nước và chính sách đối ngoại. Việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Iraq, tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden (năm 2011), nền kinh tế khởi sắc, hơn nữa, Obama cũng quan tâm hơn đến các vấn đề di cư, an sinh xã hội của người dân. Đồng thời, là Tổng thống đương nhiệm, với kinh nghiệm trong việc đưa ra các chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước; lại không phải trải qua quá trình vận động tranh cử tại nội bộ đảng, nên trong cuộc bầu cử năm 2012 cùng với ứng cử viên Mit Romney của Đảng Cộng hòa, Tổng thống Obama tiếp tục thắng cử và nắm quyền Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, khẳng định vị thế cầm quyền của Đảng Dân chủ trước nước Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, chiến thắng này có phần kém “oanh liệt” hơn cả về phổ thông đầu phiếu (51,1% so với 47,2%) lẫn phiếu Đại cử tri (332 phiếu so với 206 phiếu) [72]. Cũng trong năm 2012, Đảng Dân chủ đã để mất quyền kiểm soát tại Hạ viện vào tay Đảng Cộng hòa. Đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, Đảng Dân chủ đã thất thế, Đảng Cộng hòa trở lại giành quyền kiểm soát Quốc hội. Khi người dân được hỏi: liệu họ sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, 50% cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa và 44% nghiêng về phía Đảng Dân chủ. 243/435 là số ghế áp đảo nhất mà phe Cộng hòa đạt được tại một cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ kể từ thế chiến thứ 2 đến nay. Dù không đủ mức 2/3 (60 ghế) tại Thượng viện để thao túng mọi quyết sách, nhưng với chiến thắng 52 ghế Thượng viện, Đảng Cộng hòa đã nắm trọn quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Chiến thắng mang tính quyết định của Đảng Cộng hòa thể hiện tại 7 bang gồm Bắc Carolina, Arkansas, Colorado, Georgia, Iowa, Kansas và Tây Virginia [58]. Việc Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội đã gây bất lợi trong hai năm cuối nhiệm kỳ của Obama. Với điều này, cũng có thể dự đoán cuộc bầu cử năm 2016, Đảng Cộng hòa có thể sẽ giành phần thắng chắc chắn hơn Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng.

Cũng không quá ngạc nhiên khi Đảng Dân chủ lại bị thất thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ, uy tín của Obama dần dần bị giảm sút, đó là do: Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng gồm những ca lây nhiễm Ebola trong nước, mối đe dọa từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Ngoài ra, còn có các vấn đề như chương trình Obamacare, số lượng trẻ em di cư vào Texas gia tăng, vụ bê bối tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ và bạo loạn sắc tộc ở Ferguson, Missouri. Hơn nữa, đa số người dân nhận định khả năng đối phó với các vấn đề lớn của chính phủ đã giảm trong vài năm qua. Nhiều người đổ lỗi cho Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ hơn Đảng Cộng hòa. Cho dù, trong nhiệm kỳ của mình, chính quyền Tổng thống Obama đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và vực dậy hình ảnh nước Mỹ trên thế giới. Đặc biệt trong thời gian bầu cử giữa kỳ năm 2014, nền kinh tế Mỹ có sự tăng trưởng nhẹ, tỷ lệ thất nghiệp giảm và chỉ số niềm tin tiêu dùng đạt mức cao nhất trong 7 năm. Tuy nhiên, những điều này khó có thể giành ưu thế về cho Đảng Dân chủ, vì người dân vẫn không cảm thấy an tâm trước hành động mưu sát dân thường của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Có thể thấy, cuộc bầu cử ở Mỹ là cuộc bầu cử duy nhất trên thế giới có thời gian tranh cử kéo dài nhưng vẫn luôn thu hút sự quan tâm từ đầu đến cuối cuộc bầu cử. Điều này giải thích rằng chính trị nước Mỹ không chỉ giới hạn ở phạm vi nước Mỹ mà còn ảnh hưởng tới chính trị toàn cầu. Và có lẽ cũng không ai phủ định rằng hình ảnh vị Tổng thống Mỹ luôn luôn có những tác động quan trọng đến chính trị quốc tế.

 

Thông qua cuộc tranh cử của ứng viên hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, phần nào thể hiện được sự giống và khác nhau trong hoạt động bầu cử. Với đặc trưng là đảng theo khuynh hướng cánh hữu, Đảng Cộng hòa thường thể hiện tính bảo thủ, cứng rắn hơn Đảng Dân chủ nên trong các chính sách mà Tổng thống Bush và Obama đưa ra trong thời gian vận động tranh cử đều thể hiện điều đó.

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN LÝ LUẬN CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC Ở VIỆT NAM TỪ ĐẠI HỘI VII ĐẾN ĐẠI HỘI XI

 

 

Th.S Đào Thị Thúy Loan

 

Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử xã hội loài người nói chung và nhất là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản châu Âu nói riêng, C.Mác đã rút ra kết luận: sự phát triển của xã hội loài người là sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. V.I.Lênin đã nhận xét: “Sau khi nghiên cứu quy luật phát triển của xã hội loài người, Mác đã hiểu rằng chủ nghĩa tư bản phát triển tất nhiên sẽ đưa đến chủ nghĩa cộng sản - đây là điều căn bản - khi chứng minh chân lý đó, Mác chỉ dựa trên việc nghiên cứu xã hội tư bản đó một cách chính xác nhất, tỉ mỉ nhất, sâu sắc nhất, nhờ việc nắm vững đầy đủ tất cả những cái mà khoa học trước đây đã cung cấp”. Chính vì thế, xã hội tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ được thay thế bằng xã hội khác, C.Mác xác định là xã hội cộng sản chủ nghĩa, giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Sự thay thế này là một quá trình lịch sử - tự nhiên.

Trong quá trình hoạt động cách mạng và nghiên cứu lý luận C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra những quan niệm của mình về mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường để xác lập và xây dựng mô hình xã hội ấy.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, thiết lập quan hệ sản xuất mới trên cơ sở xác lập, củng cố chế độ sở hữu xã hội đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu. Chế độ tưu hữu về tưu liệu sản xuất bị thủ tiêu, C.Mác nóinhững người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu. Tuy nhiên, “đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”. Trên cơ sở đó phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Thực hiện nguyên tắc làm theo năng lực hưởng theo lao động, mọi người có quyền bình đẳng trong việc hưởng các phúc lợi xã hội: y tế, giáo dục, sử dụng nhà ở… Mọi người lao động có quyền và có khả năng tham gia quản lý sản xuất, quản lý xã hội. Mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới.

Trong xã hội mới, giai cấp bóc lột đã được cải tạo triệt để, giải phóng con người, tiến tới xóa bỏ giai cấp và đối kháng giai cấp “vấn đề đặt ra là chủ nghĩa cộng sản phải xóa bỏ buôn bán, xóa bỏ những quan hệ sản xuất tư sản và xóa bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa” Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được xây dựng và thực hiện rộng rãi trong thực tế. Khối liên minh giai cấp công nhân với quảng đại quần chúng nhân dân lao động được củng cố vững chắc. Quyền con người, bình đẳng nam nữ được thực hiện. Sự thống nhất giữa quyền lợi và nghĩa vụ được đảm bảo. Xã hội tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn để phát triển con người toàn diện: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Lối sống xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở bình đẳng xã hội, chủ nghĩa tập thể và tinh thần tương trợ anh em được hình thành. Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được xây dựng. Trên cơ sở xóa bỏ tình trạng áp bức bóc lột giữa người với người, xóa bỏ tình trạng áp bức dân tộc, thực hiện bình đẳng dân tộc, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng “hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”.

Kế thừa những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng nước Nga, lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô ra đời. Đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận thành hiện thực.

Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: “Tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”. Vào những năm cuối những năm 80 thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào khủng hoảng trầm trọng, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô xụp đổ, phong trào xã hội chủ nghĩa đang trong giai đoạn thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Trong bối cảnh đó, việc xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một vấn đề hết sức quan trọng của Đảng và nhân dân ta. Tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa VI) - Hội nghị thảo luận dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu: “Lúc này chúng ta chưa có đủ cơ sở để vẽ toàn bộ bức tranh của xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh. Nhưng căn cứ vào những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội VI và thực tiễn đổi mới xã hội ta trong hơn 3 năm qua, chúng ta có thể vạch ra những nguyên tắc và phương hướng lớn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là điều có thể làm được. Sau này, khi thực tiễn bộc lộ những vấn đề mới, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ không ngừng được bổ sung và hoàn chỉnh từng bước”.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991). Cương lĩnh năm 1991 đã phác họa mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng:

“- Do nhân dân lao động làm chủ.

- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.

- Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.

- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”.

Từ khi Cương lĩnh năm 1991 ra đời đến nay, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi to lớn. Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra được nhận thức và giải quyết qua các nhiệm kỳ đại hội. Đại hội X của Đảng (năm 2006) trên cơ sở tổng kết lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới đất nước, trong đó có 15 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 đã xác định rõ hơn mô hình xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.

Đại hội X xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến; đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”.

Trên cơ sở tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 Đại hội XI (2011) khẳng định: “Qua tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa lịch sử và giá trị định hướng chỉ đạo to lớn của Cương lĩnh đối với công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đồng thời cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần tiếp tục được giải đáp”. Đại hội XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), gọi tắt là Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

Về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Sau 20 năm tổng kết thực tiễn, bổ sung và phát triển lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI đã bổ sung 2 đặc trưng mới so với Cương lĩnh năm 1991: Đặc trưng bao trùm, tổng quát: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đặc trưng “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.

Hai đặc trưng này đã được bổ sung từ Đại hội X. Tuy nhiên điểm mới so với Đại hội X là chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng" trong đặc trưng bao trùm, tổng quát. Thể hiện sự đổi mới trong nhận thức của Đảng bởi cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định, dân chủ là điều kiện, tiền đề của công bằng, văn minh. Không thực hiện dân chủ thì không thể nói đến công bằng, văn minh. Dân chủ được thực hiện rộng rãi, càng có điều kiện để thực hiện công bằng, văn minh. Ở đây, việc chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng” không chỉ đơn giản về mặt kỹ thuật mà thực chất là cần xây dựng xã hội dân chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) bổ sung đặc trưng “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo” là cần thiết và đúng đắn. Sự hình thành của tư tưởng về Nhà nước pháp quyền luôn gắn liền với tư tưởng phát triển dân chủ, loại trừ chuyên quyền, độc đoán, vô chính phủ, vô pháp luật... Khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên được Đảng ta sử dụng tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII. Từ đó được sử dụng chính thức trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng được định hình và thực hiện trong thực tế.

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã mở rộng biên độ “do nhân dân làm chủ” chứ không chỉ là “do nhân dân lao động làm chủ” như trong Cương lĩnh 1991. Việc xác định như thế là chính xác bởi đặc trưng này thể hiện bản chất nhân văn của chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người, do con người. Các văn kiện của Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh đến dân chủ và trở thành một trong năm bài học kinh nghiệm lớn trong hơn 80 năm qua. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời thể hiện tư tưởng đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta.

Về đặc trưng kinh tế: Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Trên cơ sở tổng kết lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới đất nước, Đại hội X xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.

Trong Cương lĩnh năm 1991 nhấn mạnh được “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” và thể hiện được đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội, nhưng chưa hoàn toàn phù hợp với thời kỳ quá độ ở nước ta hiện nay với nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chỉ là một bộ phận của quan hệ sản xuất. Khi đề cập đến lực lượng sản xuất thì phải đề cập đến quan hệ sản xuất mới là mối quan hệ tương đồng, đồng đẳng.

Thể hiện như Đại hội X là phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Đảng trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tránh được cách hiểu coi nhẹ đối với khu vực kinh tế dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân và thể hiện được sự tương đồng, đồng đẳng, khi đề cập lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

Kế thừa cách diễn đạt của Đại hội X, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Xác định như Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) hợp lý hơn bởi đặc trưng này nói đến sự phù hợp lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất và không cứng nhắc về chế độ sở hữu và thành phần sở hữu.

Về đặc trưng về con người, Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Con người được giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công, làm theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, xác định như vậy là hợp lý hơn bởi không phải đến khi xây dựng xong chủ nghĩa xã hội, con người mới được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, mà đã được giải phóng trước đó. Và xã hội xã hội chủ nghĩa không tạo điều kiện phát triển toàn diện “cái cá nhân” mà  tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.

Về đặc trưng về dân tộc, Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”

 - Xác định rõ hơn đặc trưng về hợp tác quốc tế. Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Ở đây, quan hệ hợp tác quốc tế đã được mở rộng không chỉ là hợp tác “với nhân dân” các nước trên thế giới mà là hợp tác với “các nước trên thế giới”. Đó cũng chính là những gì mà nước ta đang tiến hành, không chỉ có công tác đối ngoại nhân dân, mà còn có công tác đối ngoại Đảng và đối ngoại Nhà nước với tất cả các nước trên thế giới.

          Hơn 20 năm từ khi Cương lĩnh năm 1991 ra đời đến nay, có thể khẳng định rằng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được xác định ngày càng rõ hơn và ngày càng được hiện thực hóa trong cuộc sống.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, toàn tập, t.50, Nxb CTQG, 2007.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, toàn tập, t.51, Nxb CTQG, 2007.

3.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, HN, 2006.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011.

5. C.Mác và Ph.Ăngghen [1848]: Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản, Bản dịch tiếng  Việt, Nxb CTQG, Toàn tập,t.4, H,1995.


 

 

 

 

HỒ CHÍ MINH - NHỮNG NHẬN ĐỊNH VÀ DỰ BÁO THIÊN TÀI VỀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 

                                                                                  Th.s Giang Quỳnh Hương

                                                                         

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam, trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn có những dự báo thiên tài mang tính thời đại, đó là những dự báo khoa học có hàm lượng trí tuệ cao, là đòi hỏi tất yếu của những suy tư, trăn trở trước vận mệnh của dân tộc của một nhân cách lớn; đó là sản phẩm của tư duy khoa học, logic và biện chứng và là sự đúc kết những trải nghiệm trong đấu tranh cách mạng của bản thân, những nhận định, dự báo của Người đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam. Người vĩ đại bởi chính sự giản dị, khiêm nhường, bởi tình yêu vô bờ bến đối với nhân dân lao động nước mình cũng như nhân dân lao động nghèo khổ trên thế giới. Người chỉ có một ham muốn tột bậc là đất nước được giải phóng, nhân dân được tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Vì vậy, suốt cuộc đời Hồ Chí Minh giành cống hiến cho cách mạng, bôn ba các nước trên thế giới và tìm được “mặt trời cách mạng” cho dân tộc. Người đã sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta chèo lái đưa cách mạng Việt Nam vượt muôn ngàn gian khó để đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Để có được những thắng lợi ấy, Bác phải có sự anh minh, mẫn tiệp, óc phán đoán tài tình và những dự cảm mang tính tiên tri của người trên từng chặng đường cách mạng, ở mỗi thời điểm lịch sử của dân tộc.

          Hồ Chí Minh luôn có những dự báo thiên tài mang tính thời đại. Trong ý nghĩ của nhiều người, Bác được coi như một vị thánh, Bác có đôi mắt thánh, thậm chí đồng bào Tây Nguyên còn gọi Bác là Giàng (trời), người Dao gọi người là “con trời”… Nhưng thực tế Hồ Chí Minh là con người thực, cũng gần gũi như người thân trong gia đình. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: Mắt Hồ Chí Minh cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lần đã đành, nhưng sáng hơn vì người biết nhìn, nên nhìn thấy:hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to. Như vậy, những dự báo của Bác không mang tính thần linh, huyền bí, duy tâm mà trái lại, là những dự báo khoa học có hàm lượng trí tuệ cao, là đòi hỏi tất yếu của những suy tư, trăn trở trước vận mệnh của dân tộc của một nhân cách lớn; đó là sản phẩm của tư duy khoa học, logic và biện chứng và là sự đúc kết những trải nghiệm phong phú của thực nghiệm đấu tranh cách mạng từng trải của một Hồ Chí Minh bằng da, bằng thịt.

1.Sự định hướng thiên tài cho sự nghiệp giải phóng dân tộc

Khả năng dự báo thiên tài của Bác được hình thành khá sớm, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và được biểu lộ thông qua những nhận xét, đánh giá đúng bản chất khách quan, chiều hướng phát triển về mọi mặt của tình hình thế giới, của hiện tại, tương lai. Những tiên tri của người đã góp phần  tạo nên những bước phát triển trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

          Ngay từ đầu thế kỉ XX, giữa nhừng ngả đường trong đêm tối, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có một dự báo sáng suốt: phải tìm một con đường khác mới có thể giành lại độc lập cho dân tộc, để rồi 5-6-1911, vừa qua tuổi 20, người thanh niếm ưu tú ấy bắt đầu một hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước. Sau 9 năm, vào một ngày tháng 7, Nguyễn Tất Thành - lúc này mang tên Nguyễn Ái Quốc - đã tìm thấy con đường độc lập cho dân tộc từ nội dung cuốn sách:“Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin đăng trên báo “Nhân đạo” (L’Humanité), số ra ngày 16 và 17-7-1920, Người cũng hiểu rõ hơn nhưng sai lầm trong luận điểm của những người đứng đầu Quốc tế II về vấn đề dân tộc và thuộc địa và đề xuất luận điểm: cách mạng giải phóng dân tộc cần chủ động, sáng tạo và có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, Người còn phân tích sâu sắc lịch sử phương Đông và đưa ra nhận định: “xét những lí do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn cả châu Âu” [2]

          Như vậy, rõ ràng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày còn tuổi thanh niên đã như ẩn trong người khả năng dự báo dựa trên đầu óc phê phán tinh tường và tư duy độc lập, tự chủ cao - đó là sự định hướng thiên tài cho sự nghiệp tìm đường giải phóng dân tộc.

          2. Dự đoán “Việt Nam độc lập năm 1945”

          Hơn mười năm sau đó, trên cơ sở chuẩn bị tất cả các điều kiện về tư tưởng chính trị, tổ chức cán bộ, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng (2/1930) thành lập ra Đảng cộng sản Việt Nam - Đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Dù ở nước ngoài, song người quan tâm sát sao diễn biến tình hình cách mạng trong nước. cuối năm 1940 tình hình cách mạng trong nước có những diễn biến quan trọng, người đã nhận định:

“Đồng minh sẽ thắng

Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau

Việt Nam sẽ giành được độc lập.”

Có thể nói, đây là những dự đoán đúng với lịch sử thế giới và cách mạng trong nước, nhờ dự đoán này của người mà Đảng ra đã đề ra các đường lối đúng đắn cho cách mạng thắng lợi.

Đến 1941, trước những điều kiện khách quan thuận lợi, Bác Hồ và trung ương Đảng đã đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ cách mạng cần kíp và coi việc chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn dân tộc trong giai đoạn hiện tại. Tại thời điểm này, Bác đã dự đoán về thắng lợi của cách mạng Tháng tám. Theo lời kể của  đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Có lần, Bác viết một cuốn lịch sử Việt Nam bằng thơ lục bát, ghi lại tất cả những phong trào chống ngoại xâm từ trước đến nay. Bác đã viết vào cuối trang mục lục: “Việt Nam độc lập năm 1945”. Anh em người nói sớm, kẻ nói muộn. Bác nghe trao đổi chỉ nói: “để rồi xem” [6], tập diễn ca mà đại tướng nói ở trên, được Bác viết vào năm 1941 và được Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản tháng 2-1942, dài 208 câu mở đầu bằng câu:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Phía cuối diễn ca là một mục lục, Bác ghi những tháng năm quan trọng, gần như biên niên của 30 thời điểm, dấu mốc những bước ngoặt của đất nước. Ở dòng đầu, Bác viết: Trước Tây lịch; năm 2879: Hồng bàng và dòng cuối: 1945: Việt Nam độc lập.

          Thật đáng ngạc nhiên là tập diễn ca được viết vào thời điểm ấy, trong một hang sâu, rừng thẳm, không tài liệu tra cứu, không có chuyên gia trao đổi, Bác vẫn ghi rất chính xác những điểm mốc lịch sử chính yếu của dân tộc và đặc biệt hơn người đã tiên đoán được sự kiện “ Việt Nam độc lập” (1945) trước hơn bốn năm. Ngay cả khi mệt mỏi, sốt cao, nằm mê sảng trên lán giữa rừng, Người vẫn nghĩ đến thời cơ tổng khởi nghĩa, giành độc lập dân tộc. Bấy giờ, Nhật đảo chính Pháp được một thời gian, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy trường sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” và ngày 19-8-1945, đất nước đã được độc lập thực, ngày lịch sử thiêng liêng ấy là do Bác và các đồng chí quyết định, không thể sớm hơn hoặc muộn hơn một ngày.

          3. Dự đoán về đất nước sau khi giải phóng bốn năm

          Dự đoán này của Bác nằm trong thiên truyện: “Giấc ngủ mười năm” năm 1949, tức là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn gian khổ, cam go. Hiện thực đất nước ra được Người miêu tả qua sự trải nghiệm của một chiến sỹ quân đội tên Nông Văn Minh - một cố nông người Nùng ở Cao Bằng. Lên 10 tuổi Minh phải đi ở chăn trâu nhà cụ Bá ở làng bên cạnh, 10 năm sau anh lấy vợ tên Xuân và đẻ con gái đặt tên là Đào. Rồi Minh đi theo cách mạng, những năm ở bộ đội, chiến đấu nhiều nơi, anh cảm phục trước tinh thần chiến đấu, hy sinh dũng cảm của đồng bào ta, đồng thời cũng được chứng kiến bao nhiêu tội ác tày trời của bọn thực dân Pháp. Trong trận đèo Bông Lau, anh bị thương ở đầu và mê đi lúc nào không biết. Khi tỉnh lại anh mới biết mình bị bệnh ngủ và giấc ngủ kéo dài 10 năm, đó là ngày 15-8-1858.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Bác đã tưởng tượng ra khung cảnh 10 năm sau về cơ bản là đúng, dù không nói rõ năm nào, nhưng cho biết là năm 1958, hòa bình miền Bắc đã được 4 năm:                              

Việt Nam dân chủ cộng hòa

Độc lập, tự do, hạnh phúc.

      15 tháng 8 năm 1858” [3]

Đặc biệt hơn nữa, Bác còn dự báo về một cuộc sống tốt đẹp sau khi đất nước giải phóng thể hiện: ở bệnh viên nơi anh Minh nằm khang trang, sạch sẽ, Gian phong tĩnh lặng, chăn vải trắng tinh, lại hơi thơm thơm. Sờ lên đầu không thấy sẹo, không thấy đau gì cả. cái buồng thật xinh xinh, sáng sủa, sạch sẽ. Trần và vách đều trắng toát. Trên bàn có một cốc sữa đặt trên cãi đĩa bằng thủy tinh. Lại có một cái bình hoa cắm đầy những bông hoa tươi ngát..; thể hiện ở việc: con gái anh - một cố nông - được học đại học Y khoa; vợ anh - một người đi ở đợ - được làm chủ tịch xã: “A di đà Phật! tôi không tin lỗ tai rôi. Thế nào? Thị Xuân vợ thằng đi chăn trâu làm chủ tịch xã? Thị Đào, con đứa ăn vụng cơm bà Bá vào đại học Y khoa?” [5]. Đất nước từ thành thị nông thôn không còn người mũ chữ, đói rách, thất nghiệp, phố xá, làng mạc, nơi nào cũng sach sẽ, xinh tươi…

          Với “Giấc ngủ mười năm”, Hồ chủ tịch đã dựng lên trước mắt người đọc một viễn cảnh tương lai song rất gần với hiện thực, điều đó không chỉ khẳng định niềm tin kiên định sâu sắc của người đối với công cuộc cách mạng, mà còn cho thấy sự sáng suốt, trí tưởng tượng mang tính tiên tri tuyệt vời. Mười năm sau, những tiên đoán ấy về cơ bản thành hiện thực, dù chưa phải cả nước, nhưng miền Bắc, sau chiến tranh, đã từng ngày thay da, đổi thịt, đã no ấm, giàu mạnh, dân chủ, hòa bình, đúng như cảnh tượng người tiên đoán thông qua lời của nhân vật.

          4. Dự đoán về việc thống nhất đất nước năm 1975:

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hồ chủ tịch cũng có nhiều dự đoán đúng với lịch sử dân tộc. Ngay từ cuối năm 1967, đầu năm 1968, Người đã dự đoán: mỹ sẽ đưa  máy bay B52 ra đánh Hà Nội nên phải có phương án chuẩn bị kịp thời trước đó. Hồ Chí Minh nói: “Ở Việt Nam. Mỹ nhất định sẽ thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Ngay từ Hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II, người đã dự đoán về trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân Miền Bắc năm 1972.  Người nói rằng: “Mỹ dần dần trở nên kẻ địch chính của quân đội và nhân dân ta…” và “nhiều trận Điện Biên Phủ khác đang chờ chúng” [4]

          Năm 1960, trong bài phát biểu mừng ngày quốc khánh lần thứ 15, Bác dự báo: “Chậm nhất là 15 năm nữa, tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sum họp một nhà”[1]. Không những thế, trước lúc đi xa, người cũng tiên đoán được nước nhà thống nhất, dân được tự do độc lập bằng chính những vần thơ chúc tết đầu xuân 1969:

“ Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do,

Đành cho mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên chiến sỹ, đồng bào

Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”

Và với đỉnh cao thắng lợi huy hoàng 30 - 4 - 1975, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã chứng minh lời tiên đoán ấy của người thành hiện thực trọn vẹn.

Trên đây chỉ là một số dự báo của chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, ngoài ra, người còn dự báo đúng rất nhiều sự kiện khác mà trong một phạm vi một bài báo nghiên cứu, trao đổi, tác giả chưa thể hiện hết… vậy một câu hỏi đặt ra là nhờ đâu mà người có được những dự báo ấy? không thể bởi Bác có khả năng siêu nhiên, hay là thần thánh, mà theo cá nhân tác giả, có lẽ những dự đoán thiên tài ấy xuất phát từ chính tình yêu tha thiết quê hương, đất nước cộng với sự khổ luyện thành tài, sự trải nghiệm thực tiễn phong phú như nguyên tổng bí thư Trường Chinh đã nói về Bác: “Thế giới quan Mác - Lênin và những trải nghiệm đấu tranh lâu năm đã làm cho người có khả năng đoán trước thời cuộc, mau lẹ nhận ra những bước ngoặt của lịch sử, đề ra nhưng chủ trương thích hợp nhằm xoay chuyển tình thế”. Và đương nhiên khả năng này không phải ai cũng có được, mà nói theo đồng chí Võ Nguyên Giáp thì “những điều tiên tri đó thuộc về những thiên tài”. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam ngày hôm nay cũng không thể thiếu những dự kiến khoa học ấy của Người,

Sau hơn 25 năm đối mới, đất nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt lên trên cả khung cảnh hòa bình trong tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” của Người. Nhưng những dự cảm “tiên tri” của Hồ Chí Minh vẫn là những định hướng, những bài học kinh nghiệm quý giá soi đường cho dân tộc Việt Nam phát triển vươn xa hơn nữa trên những chặng đường lịch sử xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

 

 

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo Nhân dân đăng  phát biểu của Bác còn giữ lại bản thảo, nay trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.1, tr.35

3. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.609

4. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.610

5. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t.7, tr. 315

6. Những chặng đường lịch sử, NXB Văn học, 1977, tr 46-47

 

 

 

 

SỬ DỤNG CHUYỆN KỂ ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TRONG DẠY HỌC PHẦN ĐẠO ĐỨC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

 

 

Th.S. Nguyễn Thị Hương

 

     (Bài đã đăng trên tạp chí Giáo dục số đặc biệt kì 3 tháng 6/2016 trang 227).

            1. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh rất chú ý đến vấn đề đạo đức. Từ những tác phẩm đầu tiên cho đến Di chúc, Người luôn ân cần dạy bảo thế hệ sau đạo lý làm người cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa cao đẹp. Người đặc biệt căn dặn và nhắc nhở bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết”. Do đó, Đảng ta cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh thiếu niên. Đào tạo họ thành những người thừa kế công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng” vừa chuyên”, tức là những con người mới vừa có phẩm chất, đạo đức cách mạng, vừa có năng lực công tác. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh thiếu niên rèn luyện, phấn đấu và khẳng định mình. Song tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên,đã có một bộ phận thanh thiếu niên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử,… Đây là những biểu hiện không thể coi thường.

            Vì vậy, giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên, là một vấn đề quan trọng trong chiến lược con người của Đảng ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: “Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật nhất là trong thế hệ trẻ” [5, 126]

Môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường trung học cơ sở (THCS) có nhiệm vụ quan trọng là trực tiếp giáo dục phẩm chất, đạo đức, nhân cách cho học sinh (HS); hình thành ở thế hệ trẻ hệ thống các giá trị phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Nhiệm vụ này được thực hiện thông qua toàn bộ hệ thống chương trình của môn học, trong đó trực tiếp nhất là phần Đạo đức.

            Lãnh tụ Hồ Chí Minh – người đã tìm đường và dẫn đường cho cách mạng Việt Nam giành độc lập cho dân tộc. Mọi người Việt Nam đều kính yêu Người. Trong trái tim mỗi HS cũng đều tồn tại tình cảm đó. Quá trình dạy học môn GDCD là quá trình khai thác tiềm năng và phát triển tâm lực cho HS, phát triển tính tích cực nhận thức và năng lực tự hoàn thiện của HS. Vì vậy trong quá trình dạy học môn GDCD nhiệm vụ của người GV là làm sao có thể truyền tình cảm đó từ GV tới các em và làm khơi dậy được lòng kính yêu Bác trong bản thân mỗi người học, biến tình cảm đó thành hành động nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Cách thức thực hiện việc đó tốt nhất là sử dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh trong quá trình dạy học GDCD.

Cùng với hệ thống tri thức lý luận về đạo đức có trong sách giáo khoa, chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh nếu được sử dụng hiệu quả sẽ giúp hình thành ở HS niềm tin đạo đức và rèn luyện hành vi ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội một cách tự giác. Đó cũng chính là mục tiêu của quá trình dạy đạo đức thông qua môn GDCD ở trường THCS.

2. Tùy theo mỗi giáo viên, việc khai thác và sử dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh được tiến hành theo nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, xét về mục đích sử dụng gắn liền với tiến trình dạy học thì những mẩu chuyện về Bác Hồ có thể được vận dụng theo những hướng sau:

2.1. Vận dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để mở đầu bài học

Mở đầu bài học là khâu đầu tiên của quá trình dạy học, là điểm khởi đầu cho quá trình truyền thụ và lĩnh hội tri thức bài học mới của GV và HS. Đây là bước quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lĩnh hội kiến thức của HS trong một giờ học, góp phần làm nên sự thành công của người GV. Hoạt động này giúp tạo cho HS tâm thế, định hướng tư duy, xác định yêu cầu đối với người học.

GV có thể sử dụng chuyện kể Hồ Chí Minh để thực hiện hoạt động này. GV lựa chọn câu chuyện có nội dung phù hợp với chủ đề bài học để thay cho lời mở bài. Từ nội dung câu chuyện, GV làm rõ chủ đề bài học bằng những câu hỏi có tính định hướng, chuẩn bị tâm thế tiếp nhận bài học mới cho HS.

Ví dụ, trước khi vào giảng dạy nội dung bài “Tiết kiệm” (bài 3, GDCD lớp 6), GV có thể kể cho các em nghe câu chuyện sau:

Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước, Người đã chọn Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) làm nơi đứng chân xây dựng căn cứ địa cách mạng.Vào những năm 1940 - 1941, đời sống người dân Pác Bó vô cùng cực khổ, lương thực chủ yếu chỉ là ngô. Có những gia đình thiếu đói, vào những ngày giáp hạt phải vào rừng để đào củ mài để kiếm sống qua ngày. Còn có những gia đình bốn đời truyền nhau một tấm áo chàm, miếng vá nọ chồng lên miếng và kia, đến khi nhìn lại thì không còn nhận ra đâu là miếng vải may từ lúc đầu tiên nữa. Người về nước trong thời điểm đó và chọn hang Cốc Bó làm nơi trú ẩn. Cuộc sống của Người kham khổ đạm bạc cũng chỉ cháo ngô và rau rừng như những đồng bào quanh vùng. Thấy Bác đã có tuổi, vất vả ngày đêm, lại phải ăn cháo ngô sợ Người không đủ sức khoẻ nên các đồng chí đã bàn nhau mua gạo để nấu riêng cho Bác. Biết vậy Người đã kiên quyết không đồng ý. Có lần ngô non xay để lâu ngày mới dùng đến, nấu cháo bị chua. Các đồng chí lại đề nghị Bác cho nấu cháo gạo để Bác dùng Bác vẫn không nghe. Người hỏi các đồng chí:

- Có cách nào làm cho bắp non khỏi bị chua không?

Các đồng chí thưa:

- Nếu rang lên thì có thể ăn được nhưng không ngon.

- Không ngon cũng được, thế thì rang lên mà ăn, không nên bỏ phí. Một hạt bắp lúc này cũng quí.

Lời Bác nói đã cho anh em thấm thía một bài học về sự tiết kiệm. Và câu thơ "Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng" ra đời trong thời kỳ này. Trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, Bác chúng ta vẫn luôn tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.

Kể xong câu chuyện trên, GV có thể dẫn dắt vào nội dung bài mới: Thông qua những lời nói, cử chỉ, việc làm của Bác chúng ta thấy toát lên một phẩm chất đạo đức thật đáng quý, đáng trân trọng đó là tiết kiệm. Vậy tiết kiệm là gì? Phẩm chất đạo đức này có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta? Cô trò chúng ta sẽ cùng làm rõ những điều đó qua bài học hôm nay.

Hoặc để mở bài Giữ chữ tín (bài 4, GDCD 8), GV có thể kể cho HS câu chuyện sau:

“Cái vòng bạc”

Do điều kiện công tác, sau hơn 2 năm, Bác Hồ mới có dịp trở lại một vùng cơ sở trước đây Người đã từng sống và làm việc. Thấy Bác về, bà con già, trẻ, gái, trai khắp bản ùa ra đón Bác.

Trong số những người đứng vây quanh Bác lớp trong, lớp ngoài hôm ấy có một em bé 2 năm trước đã từng quấn quýt bên Bác khi Người ra suối câu cá, hoặc lên nương cuốc đất trồng rau sau những giờ làm việc. Ngày Bác lên đường đi công tác xa, em bé đó theo ra đến đầu bản tiễn Bác. Trước lúc chia tay, Bác cúi xuống hôn má em và Người chưa kịp hỏi gì thì đã nghe em bé nói một câu rất tự nhiên: “Đến đâu thấy vòng bạc, Bác nhớ mua cho cháu một cái”.

Đối với em bé dân tộc miền núi Cao Bằng, có được cái vòng bạc đeo cổ tay là điều rất thích thú. Bây giờ em bé đó đã qua tuổi nhi đồng, chững chạc, được học, đã biết đọc, biết viết, không còn vòi vĩnh, nũng nịu như ngày được bên Bác và chắc cũng không còn nhớ là mình đã dặn Bác Hồ mua cho cái vòng bạc.

Bà con dân bản tiễn Bác lên đường đi công tác cách đây 2 năm cũng đã quên chuyện “Cái vòng bạc” ấy. Sau những lời chúc mừng thăm hỏi sức khoẻ dân bản, nhận ra em bé ngày trước đứng trong đám đông,

Bác bước đến, từ từ mở nắp túi áo ngực, lấy ra chiếc vòng bạc mới tinh và trao cho em.

Ngỡ ngàng giây lát, rồi nhớ ra lời dặn Bác 2 năm trước, em bé sung sướng quá, không giấu nổi xúc động, hai mắt cứ chớp mãi, líu cả lưỡi mới nói được: “Cháu... cháu... cảm ơn Bác!”

Một số người không có mặt hôm tiễn Bác lên đường đi công tác ngày trước, nay thấy vậy lấy làm ngạc nhiên và hỏi đồng chí giúp việc của Bác. Đồng chí này kể lại cho mọi người nghe là trên đường về Bác đã ghé vào một cửa hàng mua chiếc vòng bạc.

Khi đồng chí hỏi, Bác giải thích như sau: “Các cháu khi đã nhờ mua cái gì tức là chúng nó thích cái đó lắm. Thấy có hại thì tìm cách giải thích cho các cháu hiểu; nếu không có hại thì không nên từ chối. Các cháu như tờ giấy trắng nhuộm đỏ thì đỏ, nhuộm xanh thì xanh, đừng để giảm lòng tin của các cháu. Đã hứa là mình phải làm cho kỳ được, không làm được thì đừng có hứa. Đây là chữ Tín, cần giữ trọn lòng tin của mọi người”.

Kể đến đây, GV có thể dẫn dắt: Qua câu chuyện này chúng ta thấy Bác Hồ là người rất giữ chữ tín. Vậy giữ chữ tín là gì? Việc giữ chữ tín có ý nghĩa như thế nào? Muốn có được lòng tin của mọi người chúng ta cần làm gì? Cô trò mình cùng tìm hiểu bài học hôm nay Giữ chữ tín.

2.2. Vận dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để minh họa nội dung tri thức bài học

Đây là hình thức thường được GV sử dụng, đặc biệt là khi giảng dạy các khái niệm, phạm trù có tính khái quát cao. Cùng với quá trình phân tích, lý giải tri thức bài học, GV có thể vận dụng những mẩu chuyện về Bác Hồ để làm rõ thêm nội dung tri thức của bài.

Khi dạy bài “Yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên” (bài 7, GDCD lớp 6), sau khi khẳng định vai trò của thiên nhiên rất cần thiết cho cuộc sống của con người. Con người cần phải bảo vệ thiên nhiên, sống gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên, để minh họa cho nội dung này, GV có thể kể câu chuyện “Phải bảo vệ từng cành cây”

Hôm ấy, tôi có nhiệm vụ mắc đường dây điện thoại qua vườn Phủ Chủ tịch. Tôi đang trèo lên một cây ở ngay cạnh đường thì nghe có tiếng chân người bước tới. Tôi nhìn về phía đó thì thấy Bác đi tới. Tôi loay hoay định tụt xuống thì thấy Bác giơ tay ra hiệu cho tôi dừng lại, Bác hỏi:

-          Cẩn thận kẻo ngã. Chú trèo cây làm gì?

-          Thưa Bác, cháu mắc dây điện thoại ạ.

Trong lúc ấy, tay tôi vịn chặt làm gãy một cành cây nhỏ. Tôi giật mình nhìn Bác lo lắng. Bác không nói gì chỉ chú ý xem từng động tác ra dây, mắc dây vào các cành cây của tôi. Sau đó, Bác chỉ vào một cành cây to ở ngay cạnh chỗ tôi, nói:

- Sao chú không mắc dây vào cành kia, vừa to vừa chắc chắn hơn. Các chú mắc dây cần phải chú ý bảo vệ từng cành cây nhỏ, nếu không làm gì có cây to, cành to mà mắc dây.

Nói xong, Bác đi vào nhà làm việc. tôi nhìn theo Bác cho đến khi Bác vào hẳn trong nhà. Nhìn vào cành cây vừa gãy, nhìn vào đường dây đang mắc, tôi càng thấm thía lời dạy của Bác. Về sau, cứ mỗi lần đi mắc dây qua những hàng cây, tôi đều thận trọng nâng niu từng cành con, chồi nhỏ.

Kể xong câu chuyện này, GV có thể phân tích chúng ta đều biết Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên, luôn sống hòa hợp với thiên nhiên. Nhưng để bảo vệ được thiên nhiên mỗi chúng ta không chỉ cần tự ý thức bảo vệ thiên nhiên mà còn cần phải nỗ lực tuyên truyền đến mọi thành viên trong xã hội cùng chung tay nỗ lực bảo vệ thiên nhiên. Chỉ có sự “đồng tình, đồng sức, đồng lòng” của tất cả mọi người trong xã hội thì thiên nhiên mới có thể được bảo vệ hiệu quả.

Hay khi dạy bài “Tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới” (bài 5, GDCD lớp 9), sau khi khẳng định với HS là công dân Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm phải thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị với bạn bè và người nước ngoài bằng thái độ, cử chỉ, việc làm và sự tôn trọng, thân thiện trong cuộc sống hàng ngày, GV có thể minh họa cho các em hiểu điều đó bằng câu chuyện:

Bác tặng khăn quàng”

Vào đầu những năm 60 của thế kỉ XX, đồng chí Xuphanuvông và đồng chí Caysỏn Phomvihẳn sang Hà Nội thăm Bác.

Hai đồng chí và Bác gặp nhau, tình cảm Lào – Việt vô cùng thắm thiết. Bác ôm hôn hai đồng chí. Đồng chí Xuphanuvông ôm chặt lấy Bác, hai bàn tay Hoàng thân vỗ nhẹ vào lưng Bác một hồi lâu.

Gió mùa đông bắc mới về lùa hơi lạnh vào phòng khách. Thấy Bác húng hắng ho, đồng chí Caysỏn hỏi nhỏ:

- Thưa Bác, chừng như Bác không được khỏe ạ?

Bác hỏi lại hai đồng chí:

- Ở Lào không rét như ở Việt Nam. Các đồng chí có lạnh lắm không? Sao hai đồng chí lại không choàng khăn cổ?

- Thưa Bác, hôm sang Hà Nội trời còn ấm.

Bác đứng dậy, mở tủ lấy ra hai khăn quàng mới, rồi nói:

- Đồng chí Xuphanuvông và tôi là người già, nhiều tuổi, mỗi người một khăn quàng mới...

Bác tháo chiếc khăn đang quàng đưa cho đồng chí Caysỏn.

- Bác trao khăn này để đồng chí Caysỏn quàng.

Trên đường về, đồng chí Xuphanuvông nói:

- Chà, Bác với tôi mỗi người một khăn mới.Mới như nhau.

Đồng chí Caysỏn thì gật đầu:

- Còn tôi, tôi “kế thừa” chiếc khăn quàng của Bác...

Kể đến đây, GV có thể đưa ra câu hỏi: Trong câu chuyện này chúng ta thấy cách Bác thể hiện tình cảm hữu nghị với những người bạn nước ngoài như thế nào? HS sẽ nhận xét Bác thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị với người nước ngoài bằng thái độ, cử chỉ hết sức thân mật, việc làm tuy nhỏ nhưng toát lên sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với những người bạn Lào. GV có thể yêu cầu các em liên hệ trong thời kì mở cửa, hội nhập ngày nay, người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, học tập, du lịch rất nhiều, các em có thể làm những gì để thể hiện tình cảm hữu nghị với họ? HS sẽ tự lấy ví dụ và rút ra nhận định thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị với người nước ngoài không phải việc gì to tát, khó thực hiện mà có thể được thể hiện thông qua những hành động, cử chỉ, việc làm rất đơn giản, gần gũi trong cuộc sống hàng ngày.

2.3.Vận dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh để củng cố nội dung bài học

Đây là hoạt động quan trọng tiếp sau hoạt động phát triển chủ đề. Sau khi kết thúc đơn vị kiến thức cuối cùng của bài học, GV kể cho HS nghe một câu chuyện có nội dung phù hợp với nội dung bài học, đặc biệt là những kiến thức trọng tâm của bài học. Lúc đó, câu chuyện được kể sẽ trở thành một nhân tố hỗ trợ cho GV tổ chức hoạt động củng cố. GV có thể yêu cầu HS vận dụng những tri thức vừa mới được học để lí giải những vấn đề mà câu chuyện phản ánh hoặc đề nghị HS rút ra những bài học cho bản thân trong quá trình liên hệ với trách nhiệm bản thân.

Khi kết thúc bài “Yêu thương con người” (bài 5, GDCD lớp 7), GV có thể kể cho HS nghe câu chuyện “Sự vất vả của những người công nhân quyét đường”

Bác rất thấu hiểu sự vất vả của những người công nhân quét đường. Một lần, Bác gọi đồng chí phục vụ đến và nói: Có những đêm nằm nghỉ, nghe thấy tiếng chổi tre quét đường phố rất khuya, Bác nghĩ rằng mùa đông, các cô chú công nhân quét đường vất vả lắm. Chú thử tìm cách điều tra thật cụ thể rồi nói lại cho Bác biết.

Vâng lời Bác, một đêm đồng chí phục vụ lững thững dạo theo hè phố từ lúc người công nhân bắt đầu làm việc cho đến lúc dừng tay. Một tối làm việc như vậy họ phải đi đoạn đường khá dài, làm việc thầm lặng mà không kém phần vất vả. Nghe đồng chí phục vụ kể, Bác suy nghĩ hồi lâu rồi bảo: Chú nhớ nhắc những cơ quan có trách nhiệm phải có chế độ cấp phát quần áo lao động để bảo vệ sức khỏe cho các cô các chú ấy, nhắc nhở cán bộ phụ trách các cấp phải quan tâm đúng mức đến anh chị em làm nghề vất vả này. Sau đó, trong một lần đi công tác nước ngoài, Bác để ý thấy giữa mùa đông lạnh giá, hầu hết các cây đều rụng trụi lá nhưng có một loài cây vẫn xanh. Bác hỏi cán bộ địa phương thì biết đấy là loài cây có sức sống tốt, bốn mùa đều xanh tươi. Bác quyết định xin giống cây ấy mang về Việt Nam. Về nước, Bác trao giống cây đó cho người làm vườn trồng thử. Nếu chịu được khí hậu nước ta và xanh tốt thì sau này đem trồng dọc các đường phố, mùa đông vừa có cây xanh, vừa đỡ vất vả, đỡ tốn công cho anh chị em công nhân quét đường.

GV đưa ra câu hỏi: Trong câu chuyện này tình yêu thương của Bác Hồ dành cho những người công nhân quyét đường được thể hiện như thế nào? HS sẽ tự rút ra được kết luận sau: Tình thương yêu của Bác không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện ở sự trăn trở, suy nghĩ và tìm cách làm thế nào để giúp cho những công nhân quét đường đỡ vất vả. Yêu thương con người luôn sẵn sàng giúp đỡ, làm những điều tốt đẹp cho người khác, nhất là những người gặp khó khăn cũng có nghĩa là giúp tạo lập một xã hội tốt đẹp hơn.

3. Tóm lại, chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh là những câu chuyện có thật kể lại những hành động, việc làm và suy nghĩ của Người. Mỗi câu chuyện là những giá trị, chuẩn mực đạo đức mà Người để lại cho thế hệ sau. Đó là những bài học, tư liệu quý giá trong việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên góp phần hoàn thiện nhân cách cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Do vậy, việc vận dụng chuyện kể đạo đức Hồ Chí Minh vào thiết kế các bài dạy đạo đức ở trường THCS là rất cần thiết. Nó không những góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc dạy và học nội dung đạo đức môn Giáo dục công dân ở trường THCS nói riêng mà còn góp phần thực hiện thành công cuộc vận động ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nói chung.

 

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG VĂN HOÁ CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

 

Some solutions to increase the effectiveness of ethics and cultural lifestyle education to the students of  Tay Bac university

 

              ThS. LÈO THỊ THƠ

                                                                                  Trường Đại học Tây Bắc

                                                         

Tóm tắt

 Giáo dục đạo đức (GDĐĐ), lối sống văn hóa cho sinh viên (SV) là một nội dung luôn được quan tâm trong các nhà trường đại học. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác GDĐĐ, lối sống văn hoá cho SV Trường Đại học Tây Bắc, đó là: 1/ Thường xuyên chăm lo GDĐĐ cách mạng, lối sống văn hoá; 2/ Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội; 3/ Khuyến khích, biểu dương hoạt động tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện của SV; 4/ Xây dựng môi trường, sân chơi lành mạnh cho SV.

          Từ khoá:Giáo dục đạo đức; lối sống văn hóa; Đại học Tây Bắc.

Summary

 Ethics education, cultural lifestyle for students is always a content of  interest in  universities. Within the scope of this article, we propose some solutions to improve the effectiveness of moral education, cultural lifestyle for students of Tay Bac University, including: 1/ Taking regular care of moral and cultural lifestyle education; 2/ Working closely between families, schools, and society; 3/ Encouraging and praising self-learning activities, self-cultivation and training; 4/ Constructing healthy environment for students.

 Keywords: Ethics education; cultural lifestyle; Tay Bac University.

Nhận bài ngày 2/6/2016. Sửa chữa xong 10/6/2016. Duyệt đăng 15/6/2016.

          1. Đặt vấn đề

Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho SV là một nội dung luôn được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, các phòng, ban chức năng, giảng viên (GV) Trường Đại học Tây Bắc (ĐHTB) đặc biệt quan tâm. Những năm qua, nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên, Hội SV,về GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV đã được triển khai đạt nhiều kết quả. Hệ thống nội quy, quy chế, công tác quản lý SV ngày càng được hoàn thiện. Công tác giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho SV không ngừng được tăng cường và đổi mới. Thông qua các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, dạy tốt - học tốt đã tạo ra môi trường lành mạnh để SV rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách của các em. Phần lớn SV tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện, tích cực lao động, sáng tạo; có phẩm chất đạo đức tốt, quan hệ bạn bè lành mạnh, trong sáng, kính trọng thầy cô giáo; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. 

Tuy nhiên, GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV trong trường còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV, nhất là trong bối cảnh đất nước, nhà trường có nhiều thay đổi. Việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục SV chưa kịp thời và hiệu quả; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu. Vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội đến chăm lo, GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV chưa đạt như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Một bộ phận SV có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, tư tưởng lệch lạc, lối sống ích kỷ, không lành mạnh và có những hành vi thiếu văn hóa như đánh nhau, thiếu tôn trọng thầy, cô giáo, coi thường kỷ cương, kỷ luật của nhà trường,...Tình trạng SV vi phạm pháp luật hành chính, vi phạm luật giao thông, ăn ở mất vệ sinh, uống rượu say, sử dụng ma túy, sống thử, nghiện game, cờ bạc, lười lao động và học tập, chỉ biết sống hưởng thụ, không dám đấu tranh với biểu hiện sai trái, thờ ơ vô cảm, thiếu kỹ năng sống,… có xu hướng gia tăng đang là vấn đề đáng báo động, gây lo lắng cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa tới đời sống vật chất và tinh thần của SV; do thiếu sự phối hợp quan tâm chăm sóc, giáo dục chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; các điều kiện vật chất phục vụ nhu cầu ăn, ở, học tập, vui chơi giải trí cho SV còn thiếu; công tác GDĐĐ, lối sống cho SV còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác quản lý SV, nhất là SV ngoại trú chưa được quan tâm đúng mức; do ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống của bản thân SV chưa cao,...

          2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV Trường Đại học Tây Bắc hiện nay

          2.1. Thường xuyên chăm lo GDĐĐ cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho SV.

Chăm lo GDĐĐ cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh là giải pháp cơ bản để xây dựng, hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa cho SV, vì đạo đức là “gốc của người cách mạng”. Trước hết GV cần quan tâm giáo dục những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng cho SV thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Chú trọng giáo dục làm cho SV nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhà trường, gia đình, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cho SV những tình cảm cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước: “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân”, quên mình vì nghĩa lớn,… Từ đó hình thành cho họ lối sống trong sạch, lành mạnh, có hành vi đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại.

Để việc giáo dục bồi dưỡng có hiệu quả, nhà trường cần thường xuyên tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chú trọng làm theo những lời dạy của Bác, cụ thể hóa thành những tiêu chí chuẩn mực đạo đức, rèn luyện thường xuyên trong mỗi SV; chú trọng GDĐĐ, lối sống thông qua các môn học như Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đạo đức học, Lịch sử dân tộc…; cần tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng của SV mà tiêu biểu là phong trào: “Thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, “Chiến dịch mùa hè xanh”,…Bên cạnh đó, cần phải duy trì và mở rộng các hoạt động nêu gương, biểu dương các điển hình tiên tiến, thức tỉnh SV bằng những tấm gương cụ thể trong cuộc sống để hướng các em đến những hành vi và cách sống tích cực.

          2.2. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong GDĐĐ, lối sống văn hoá cho SV

          “Trường đại học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong giáo dục thanh niên” [2]. Đây chính là nguyên tắc giáo dục quan trọng mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chỉ dạy. Vì vậy, nâng cao hiệu quả công tác GDĐĐ, lối sống văn hóa cho SV nhà trường trước hết phải bắt đầu từ làm tốt công tác giáo dục ở gia đình, nhà trường và xã hội. Mặt khác, có sự tăng cường, phối hợp giữa ba môi trường giáo dục trên để tạo ra sức mạnh tổng hợp tác động tích cực đến quá trình học tập, rèn luyện của SV.

Gia đình là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, môi trường giáo dục đầu tiên và rất quan trọng đến hình thành nhân cách, lối sống có văn hóa cho con người. Giáo dục gia đình có thế mạnh là có sự hiểu biết, tình thương yêu và trách nhiệm giữa những người thân với nhau. Điều này tạo nên sức mạnh cảm hóa to lớn mà nhà trường và xã hội không thể có được. Trong giai đoạn hiện nay, muốn phát huy vai trò của giáo dục gia đình trước hết cần phải quan tâm xây dựng văn hóa gia đình. Trong gia đình, các thành viên cần ý thức đầy đủ trách nhiệm và bổn phận của mình, luôn quan tâm, giúp đỡ, an ủi, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Thực tế đã chỉ ra, gia đình no ấm, hòa thuận, hạnh phúc là môi trường tốt nhất cho quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con cái. Để công tác giáo dục có hiệu quả các bậc phụ huynh cần được trang bị những kiến thức về giáo dục, phải có phương pháp giáo dục phù hợp, tránh đánh đập, dùng hình phạt cũng như nuông chiều con cái, có thái độ nghiêm khắc nhưng cũng cần tôn trọng nhân cách của chúng. Cha mẹ phải gần gũi, thường xuyên quan tâm tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con em để trên cơ sở đó có những biện pháp giáo dục đúng đắn, kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức và hành động của con em mình. Bên cạnh đó, gia đình phải thường xuyên liên lạc với nhà trường để vừa nắm bắt tình hình học tập, sinh hoạt của các em, vừa tìm hiểu nội dung, hình thức giáo dục của nhà trường để có những phối hợp “ăn ý” với nhà trường trong công tác giáo dục chúng.

Nhà trường là nơi đào tạo toàn diện cả về thể chất lẫn tri thức, lối ứng xử cho người học. “Sự học tập ở nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên” [2] với tư cách là một tổ chức chuyên nghiệp được giao trọng trách đào tạo và giáo dục SV theo “một kế hoạch, chương trình định sẵn, với một nội dung khoa học đã được chọn lọc kỹ càng, cùng với những trang thiết bị kỹ thuật đặc thù phục vụ cho công tác giáo dục, đào tạo do các nhà sư phạm đảm nhiệm” [3], nhà trường giữ vị trí chủ đạo trong việc bồi dưỡng năng lực, xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống văn hóa cho SV. Trong thời gian tới, công tác giáo dục của nhà trường cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

- Thiết lập lại kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường mà bắt đầu từ việc xây dựng nền nếp học tập, sinh hoạt của SV. Khắc phục hiện tượng đi muộn về sớm, bỏ học, bỏ tiết của SV bằng việc buộc họ phải thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế; kiên quyết xử lý các hiện tượng vi phạm quy chế thi cử. Phòng Công tác chính trị và quản lý người học, Ban quản lý ký túc xá cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời nhắc nhở hoặc xử lý các sai phạm của SV nội trú như: không giữ gìn vệ sinh, tụ tập gây mất trật tự, rượu chè, cờ bạc… Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với công an, chính quyền địa phương để quản lý tình hình học tập, sinh hoạt của SV ngoại trú. Khi đánh giá kết quả rèn luyện của SV ngoại trú, nhà trường cần dựa trên nhận xét, đánh giá của chính quyền địa phương.

- Chú trọng “dạy chữ”, “dạy người”. Nhiệm vụ của nhà trường không chỉ dạy học, trang bị cho SV những tri thức khoa học mà còn rèn luyện SV về đạo đức, lối sống, nếp sống có văn hóa, đào tạo SV trở thành những con người toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Tập thể nhà trường từ Đảng ủy, Ban Giám hiệu, thầy cô chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cho đến các phòng, ban chức năng, các tổ chức đoàn thể phải cùng chung mục đích, hành động để rèn luyện SV trở thành con người có văn hóa. Kết hợp giữa học chính khóa với hoạt động ngoại khóa, lồng ghép GDĐĐ, lối sống, ý thức pháp luật trong các môn học, khuyến khích, biểu dương SV làm việc tốt hoặc có nghĩa cử cao đẹp.

- Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng giảng dạy môn Đạo đức học, các môn Khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh giữa các trường đại học cùng khối hay cùng ngành để rút kinh nghiệm trong giảng dạy các môn học này.

- Xây dựng đội ngũ GV có năng lực, phẩm chất trong sáng, mẫu mực, yêu nghề, yêu thương học trò và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Kiên quyết xử lý buộc thôi việc hoặc đình chỉ công tác giảng dạy đối với những GV có hành vi mua bán điểm số để làm lành mạnh môi trường giáo dục.

- Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội vững mạnh làm trung tâm đoàn kết, tập hợp, vận động, giáo dục SV. Các cán bộ Đoàn, Hội cần nâng cao phẩm chất, năng lực hoạt động, gắn bó mật thiết với SV; thường xuyên nghiên cứu, nắm vững tình hình, dự báo diễn biến về tư tưởng, thái độ chính trị, đạo đức, lối sống của SV và chủ động đề xuất các giải pháp khả thi để giáo dục, rèn luyện, định hướng sự phát triển nhân cách cho SV.

Quá trình giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội có những đặc trưng riêng, ưu thế riêng. Sự thống nhất biện chứng giữa giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội là yếu tố quyết định quá trình hình thành phẩm chất đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh cho SV.

        2.3. Khuyến khích, biểu dương hoạt động tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của SV

Trong lĩnh vực giáo dục, các giải pháp của gia đình, nhà trường và xã hội dẫu có làm thật tốt cũng không thể thay thế yếu tố tự giáo dục, rèn luyện của bản thân SV. Do đó, cần phải biết khích lệ, phát huy ý thức tự giáo dục, tự tu dưỡng, rèn luyện của SV. Đây là quá trình SV tự hoàn thiện, tự biến đổi, tự thích nghi với môi trường và điều kiện sống, là khả năng biết tự kiềm chế, tự khuôn mình vào những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội để vươn tới mẫu nhân cách mà xã hội đặt ra. Muốn tự giáo dục thành công, SV phải có ý thức tự giác cao, luôn biết lục vấn lương tâm, có ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên, biết xấu hổ và kiên quyết đấu tranh với những thói hư, tật xấu của bản thân; biết biến những tri thức đạo đức đã tiếp thu được từ gia đình, nhà trường, xã hội thành hiểu biết của bản thân, tình cảm, niềm tin đạo đức và được thể hiện ở hành vi đạo đức của chính mình. Đối với SV, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống được đặt trong 3 mối quan hệ chủ yếu: đối với mình, đối với người, đối với việc. SV cần rèn luyện thái độ nghiêm khắc với chính bản thân, chống tự kiêu, tự mãn. Vì tự kiêu, tự mãn sẽ không nhận thấy cái hay ở người để học và cái dở, hạn chế ở bản thân để khắc phục. Bên cạnh đó, SV cần rèn luyện đức tự tin để có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Khi quan hệ với mọi người, SV cần có thái độ, hành vi ứng xử đúng mực, khiêm nhường, có lòng nhân ái, đức bao dung, vị tha, biết quan tâm và giúp đỡ người khác. Bỏ thói đố kỵ, xem thường người khác cũng như thờ ơ, bàng quan trước nỗi đau, sự bất hạnh của con người. Ngoài ra, SV còn phải rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, trung thực trong học tập; say mê, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; không ngừng trau dồi đạo đức, tác phong, thực hành lối sống văn minh, tiến bộ. Để việc tu dưỡng, rèn luyện của SV có kết quả, ngoài nỗ lực của bản thân SV cần có sự quan tâm, định hướng giáo dục và hỗ trợ kịp thời từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để SV phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho SV. Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của SV về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để SV rèn luyện đạo đức, lối sống tốt, làm sao cho mỗi SV phải xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, tiến bộ.

        2.4. Xây dựng môi trường, sân chơi lành mạnh, tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho các hoạt động văn hóa xã hội của SV

Việc xây dựng môi trường xã hội, môi trường văn hóa giáo dục có ý nghĩa vô cùng thiết thực với SV. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều SV Trường ĐHTB mắc phải những thói hư, tật xấu hay sa vào các tệ nạn xã hội như: xem sách báo, phim ảnh khiêu dâm, số đề, cờ bạc, bói toán, sử dụng ma túy, … là do TP. Sơn La, nhà trường chưa tạo ra được nhiều sân chơi bổ ích, thiếu những tụ điểm sinh hoạt văn hóa dành riêng cho SV, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh của các em. Để nâng cao hiệu quả công tác GDĐĐ, lối sống cho SV, tránh được những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội,… Chính quyền thành phố cần nhanh chóng có chính sách và sự đầu tư thích đáng để xây dựng nhiều hơn các khu vui chơi giải trí, những tụ điểm sinh hoạt văn hóa trên các địa bàn có đông SV cư trú như: tụ điểm ca nhạc, đền tưởng niệm, nhà văn hóa thanh niên, nhà văn hóa SV, khu liên hợp thể thao… Đây là những cơ sở vật chất cần thiết để tổ chức các hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí, du lịch, dã ngoại, về nguồn và các hoạt động xã hội khác cho SV. Nhà trường cần nhanh chóng xây dựng khu nhà đa năng, thành lập câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, bạn yêu khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh… cho SV. Thông qua các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu sở thích của SV sẽ giúp các em hình thành kỹ năng sống và mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Ngoài ra, nhà trường, các tổ chức Đoàn, Hội cần thường xuyên tổ chức hội thi Olympic các môn Khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, hội thi khoa học trẻ, tìm hiểu về truyền thống dân tộc và cách mạng, "Rung chuông vàng", “SV thanh lịch”; các hoạt động từ thiện,.. thông qua đây để xã hội hóa giáo dục, cá thể hóa nhân cách lối sống của SV, thu hút các em vào những hoạt động văn hóa xã hội lành mạnh là cách tốt nhất giúp SV tránh xa cám và các tệ nạn xã hội. Đồng thời, tạo môi trường cho SV tự nhận thức và rèn luyện đạo đức, lối sống cho bản thân.

          4. Kết luận

Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho SV là một công việc quan trọng để hình thành, phát triển nhân cách con người mới, đáp ứng với điều kiện mới. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà cần có sự phối hợp, chỉ đạo và triển khai của các bộ, ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội. Thực hiện tốt giải pháp trên góp phần đào tạo, giáo dục thế hệ SV Việt Nam nói chung, SV Trường ĐHTB nói riêng vừa "hồng", vừa "chuyên", xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước như mong đợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7 (1996), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3 (1996), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

            [3]. Trần Minh Đoàn (2002), Giáo dục  đạo đức cho thanh niên, học sinh theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

            [4]. Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn văn Phúc (đồng chủ biên) (2003), Mấy vấn đề  đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, HN.

            [5]. PGS,TS Nguyễn Thế Kiệt, “Vai trò của giáo dục đạo đức trong xây dựng nhân cách sinh viên hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015.

            -----------------------------------------------------------------------

            Bài viết đăng trên Tạp chí Dạy và học ngày nay số 06 – 2016.