SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN NHÓM TRONG DẠY HỌC MÔN PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮCUSING GROUP DISCUSSION METHOD IN TEACHING AND LEARNING GENERAL LAW BASED ON CREDIT EDUCATIONAL SYSTEM AT TAY BAC UNIVERSITY

 

 

                                                          ThS. NGUYỄN THỊ LINH HUYỀN

            ThS.GIÁP THỊ DỊU

                                                                        Trường Đại học Tây Bắc

          Tóm tắt

            Pháp luật đại cương là một môn học quan trọng trong chương trình đào tạo đại học ở nước ta hiện nay. Môn học cung cấp những kiến thức cơ bản về pháp luật, xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho SV. Để nâng cao hiệu quả dạy học môn Pháp luật đại cương cho SV Trường Đại học Tây Bắc cần sử dụng một trong các phương pháp dạy học tích cực là phương pháp thảo luận nhóm.

            Từ khóa:Thảoluận nhóm, phương pháp thảo luận nhóm, pháp luật đại cương, sinh viên.

            Abstract

             Presently, general law is one of important subjects in training program among universities in Vietnam. This subject provides fundamental knowledge of law which helps students create their consciousness of working and living under Constitution and Law. It is necessary to employ group discussion method which is very positive in improving the effect of teaching and learning general law subject at Tay Bac University.

            Keywords: Method, group discussion, General law, student.

          Nhận bài ngày 12/7/2016. Sửa chữa xong 16/8/2016. Duyệt đăng

         

          1. Đặt vấn đề

         Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương tăng cường giáo dục pháp luật trong nhà trường thông qua các chương trình môn học, giáo trình, tài liệu giảng dạy Pháp luật đảm bảo đúng tinh thần và nội dung của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Vì vậy,Pháp luật đại cương là môn học quan trọng trong chương trình đào tạo đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trong đề cương chương trình chung và đã được đưa vào giảng dạy chính thức tại các trường trên cả nước.Do đó, sử dụng phương pháp thảo luận nhóm (PPTLN) trong dạy học môn học này ở nhà trường theo tín chỉ là yêu cầu cần thiết ở các trường đại học nói chung, Trường Đại học Tây Bắc nói riêng.

          2.Sự cần thiết khi sử dụng PPTLN trong dạy học Pháp luật đại cương

        Đây là môn học cung cấp cho sinh viên (SV) những kiến thức cơ bản nhất về Nhà nước và pháp luật, các ngành Luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh trang bị những kiến thức cơ bản cho SV về pháp luật, môn học còn xây dựng ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luậtcho mỗi cá nhân. Trên cơ sở đó giúp họ hình thành ý thức và thói quen xử sự phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, môn Pháp luật đại cương còn giúp SV có điều kiện dễ tiếp thu kiến thức với các môn học khác có liên quan đến pháp luật, vì đây là những kiến thức có tính chất đại cương, nền tảng về Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Vì vậy, nâng cao hiệu quả dạy học môn Pháp lut đại cương cho SV nhà trường là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi đây chính là mục tiêu mà người dạy cần hướng tới. Để truyền đạt được tri thức của môn học, giảng viên (GV) thường không thể trao ngay cho SV điều mình muốn dạy, mà cách làm tốt nhất là đưa những tri thức đó vào các tình huống tích cực giúp SV tự chiếm lĩnh tri thức thông qua hoạt động tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo.

Trong đó, thảo luận nhóm là một trong nhiều phương pháp dạy học (PPDH) có thể phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của SV trong quá trình học tập. Phương pháp này không những giúp người học tự giác, tích cực, chủ động tiếp thu kiến thức mà còn tạo nên môi trường thuận lợi giúp người học tham gia vào quá trình giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Đối với Trường Đại học Tây Bắc, việc đổi mới PPDH nhằm nâng cao chất lượng giáo dục được nhà trường hết sức quan tâm. Thực tế cho thấy, muốn đạt kết quả cao trong dạy và học môn Pháp luật đại cương GV cần chú trọng đổi mới nội dung và PPDH. Tuy nhiên, việc vận dụng PPTLN vào dạy học môn Pháp luật đại cương như thế nào cho có hiệu quả đang là vấn đề gây nhiều tranh luận cho GV

          2. Sử dụng PPTLN trong dạy học Pháp luật đại cương góp phần nâng cao hiệu quả dạy học ở Trường Đại học Tây Bắc

        Pháp luật đại cươnglà môn học thường được bố trí vào học kì 1 trong chương trình học ở bậc đại học và cao đẳng giúp SV: Trang bị những kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật cho SV; hiểu được các khái niệm, phạm trù cơ bản khi tiếp cận với các ngành Luật; hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học để SV tiếp cận có cơ sở khoa học các chính sách và pháp luật của Nhà nước; có ý thức gương mẫu, tuân thủ, chấp hành pháp luật. Nội dung cơ bản của môn học bao gồm 2 phần: Phần thứ nhất: Những vấn đề chung về Nhà nước và pháp luật; Phần thứ hai: Các ngành Luật cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam (Luật Hiến pháp; Luật Hành chính; Luật Hình sự và Tố tụng hình sự; Luật Dân sự và Tố tụng dân sự; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Lao động; Luật Kinh tế; Luật Đất đai; Công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế).

       Vì vậy, việc chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ là bước chuyển tất yếu khách quan của nhà trường và cả hệ thống giáo dục đào tạo đại học ở Việt Nam theo xu thế hội nhập quốc tế. Với chương trình đào tạo theo tín chỉ, mỗi SV cần ý thức rõ yếu tố tự học, tự nghiên cứu là quan trọng nhất, thời lượng chương trình sẽ bị rút ngắn (mặc dù chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ, song dung lượng tri thức ở từng môn học hầu như không đổi), thời gian còn lại để SV có thời gian tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Song do hạn chế thời lượng lên lớp, GV không có quỹ thời gian trên lớp để tiếp xúc, hướng dẫn, trao đổi, giải đáp những vướng mắc khi SV gặp phải nên GV có thể sử dụng công nghệ thông tin để giải đáp những thắc mắc cho các em nhưng không phải GV và SV nào cũng thực hiện được điều đó, đặc biệt là những SV miền núi, vùng sâu, ít có điều kiện tiếp cận và thành thục kỹ năng sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại.

      Về phía SV, chuyển đổi sang học theo tín chỉ là tạo sự chủ động cho SV. Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ SV nhà trường chưa thật sự chủ động trong học tập do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng căn bản là công tác kiểm tra, đánh giá giữa kỳ của GV chưa chặt chẽ, liên tục, việc giảng dạy còn nặng tính truyền thụ mà chưa áp dụng rộng rãi, thường xuyên nhiều phương pháp tích cực khác như thảo luận, seminar, bài tập lớn, định hướng nghiên cứu, khuyến khích khả năng tìm tòi, sáng tạo của SV.

Thảo luận nhóm trong dạy học Pháp luật đại cương là PPDH mà ở đó lớp học được chia thành các nhóm nhỏ giúp SV trong nhóm tích cực, chủ động thảo luận những nội dung bài học dưới sự hướng dẫn, điều khiển của GV nhằm đạt được mục tiêu học tập đã đề ra. Dưới sự hướng dẫn của GV về một nội dung cụ thể nào đó trong bài giảng Pháp luật đại cương, có thể là những khái niệm, nội dung cơ bản của bài học, hoặc là khả năng nắm bắt và vận dụng những nội dung kiến thức vào thực tiễn cuộc sống,... Thông qua vấn đề cụ thể đó SV sẽ trao đổi, bàn bạc và đi đến kết luận để nắm vững và hiểu sâu sắc những kiến thức cơ bản của bài học, hoặc khắc sâu và mở rộng hơn kiến thức đã học. Mục đích của PPTLN trong dạy học môn học này là rèn luyện cho SV những kỹ năng như lập luận, diễn đạt; sự bình tĩnh, mạnh dạn, linh hoạt trong giao tiếp; kỹ năng đánh giá, nhận định và khả năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Muốn đạt được mục tiêu đề ra, các thành viên trong nhóm phải mạnh dạn trao đổi ý kiến của mình, có ý kiến phản hồi về những điều nghe được. Phải biết lắng nghe lập luận của người khác, trung thực nói ra điều mình cho là đúng - sai, sẵn sàng chấp nhận ý kiến đúng - sai để điều chỉnh quan điểm của mình. Vì vậy, PPTLN có vai trò, ý nghĩa to lớn trong quá trình dạy và học tập môn học.

  Ví dụ: Để SV hiểu rõ vai trò xã hội của nhà nướcvà có khả năng liên hệ thực tế về vai trò xã hội của nhà nước Việt Nam, GV tiến hành chia lớp thành các nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm thảo luận với những câu hỏi sau:

        - Vì sao bên cạnh tính giai cấp, nhà nước phải thể hiện vai trò xã hội?

        - Vai trò xã hội của nhà nước được thể hiện như thế nào?

        - Lấy ví dụ để chứng minh về vai trò xã hội của nhà nước ta?

       GV yêu cầu các nhóm thảo luận trong một thời gian nhất định và cử đại diện trình bày kết quả thảo luận; Cả lớp tranh luận, nhận xét, đánh giá kết quả và nêu ý kiến bổ sung (nếu có). Sau đó GV nhận xét câu trả lời, củng cố kiến thức cho SV và nêu rõ: Thực tiễn lịch sử đã chỉ ra, một nhà nước không thể tồn tại nếu chỉ phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị mà không tính đến lợi ích các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Do đó, ngoài tư cách là công cụ bảo vệ, duy trì sự thống trị giai cấp, nhà nước còn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, bảo đảm lợi ích chung của xã hội. Trên thực tế, nhà nước nào cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề nảy sinh ở xã hội, bảo đảm cho xã hội được trật tự ổn định và phát triển, thực hiện một số chức năng phù hợp với yêu cầu chung của toàn xã hội và lợi ích nhất định của các giai cấp và giai tầng khác trong chừng mực những lợi ích đó không mâu thuẫn gay gắt với lợi ích của giai cấp thống trị.

       Hoặc GV muốn SV hiểu được về các hình thức nhà nước, GV yêu cầu SV thảo luận cặp đôi để trả lời theo câu hỏi: Hình thức nhà nước bao gồm mấy yếu tố cấu thành? Phân biệt sự khác nhau giữa các hình thức nhà nước?

       - SV trao đổi theo cặp.

       - Đại diện các cặp báo cáo kết quả thảo luận.

       - Các cặp còn lại tranh luận, góp ý kiến.

       - GV nhận xét câu trả lời và củng cố kiến thức cho SV như sau:

Hình thức nhà nước gồm 2 yếu tố cấu thành là hình thức chính thể và hình thức cấu trúc nhà nước.

Hình thức chính thể có hai dạng cơ bản là chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa.

         + Chính thể quân chủ: quyền lực tối cao của nhà nước tập trung toàn bộ (hay một phần) vào tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc thừa kế (Vua, hoàng đế...)

           Chính thể quân chủ có hai biến dạng: quân chủ tuyệt đối và quân chủ hạn chế.

        + Chính thể cộng hòa: quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về những cơ quan đại diện được bầu ra trong một thời hạn nhất định (như Quốc hội, Nghị viện).

         Chính thể cộng hòa cũng có hai biến dạng là cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc.

         - Có hai hình thức cấu trúc nhà nước cơ bản là cấu trúc nhà nước đơn nhấtcấu trúc nhà nước liên bang.

         Nhà nước đơn nhất là hình thức trong đó lãnh thổ của nhà nước là toàn vẹn, thống nhất, được chia thành các đơn vị hành chính - lãnh thổ không có chủ quyền quốc gia, có hệ thống các cơ quan nhà nước thống nhất từ trung ương xuống đến địa phương. Ví dụ: Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Pháp,... là những nhà nước đơn nhất.

Nhà nước liên bang là những nhà nước có từ hai hay nhiều nước thành viên hợp lại. Ở nhà nước liên bang có hai hệ thống cơ quan quyền lực và hai hệ thống cơ quan quản lý gồm: một hệ thống chung cho toàn liên bang và một cho từng nhà nước (bang) thành viên, có hai hệ thống pháp luật của liên bang và các bang riêng, ví dụ: Ấn Độ, Mỹ và Liên Xô trước đây,...

 

Như vậy,Pháp luật đại cương là môn học cung cấp những kiến thức cơ bản cho SV về pháp luật, xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của mỗi cá nhân. Trên cơ sở đó giúp họ hình thành ý thức và thói quen xử sự phù hợp với quy định của pháp luật. Cho nên, trong dạy học Pháp luật đại cương nếu không sử dụng các PPDH tích cực sẽ không đạt được hiệu quả cao và tạo ra tâm lý coi môn học là khô khan, khó tiếp thu, tạo sự nhàm chán cho người học. Một trong những PPDH tích cực nhằm nâng cao hiệu quả dạy học môn Pháp luật đại cương là PPTLN.

3. Kết luận

Sử dụng phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học môn Pháp luật đại cương sẽ tăng cường tính tích cực, chủ động của SV, giúp SV tập trung vào bài học, phát triển được các kỹ năng tư duy phê phán và các kỹ năng giao tiếp xã hội quan trọng khác.Trong thảo luận nhóm, GV có thể đánh giá khá chính xác khả năng tiếp thu và năng lực tư duy của SV, giúp GV có điều kiện trực tiếp uốn nắn những tri thức sai lệch, định hướng những kiến thức chuẩn cần thiết cho SV. Qua đó, GV biết được năng lực nhận xét, đánh giá và khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn xã hội của SV. Tuy nhiên, muốn vận dụng có hiệu quả PPTLN trong dạy học môn Pháp luật đại cương thì GV phải có sự chuẩn bị giáo án và lập kế hoạch cho các buổi thảo luận chi tiết, các vấn đề đưa ra thảo luận phải rõ ràng, có ý nghĩa thiết thực đối với nội dung bài học để thu hút được sự nhiệt tình tham gia của SV

    _____________ 

Tài liệu tham khảo

1.Nguyễn Đức Chiến (chủ biên), (2008), Pháp luật đại cương, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2.Lê Minh Toàn (chủ biên), (2002), Pháp luật đại cương, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

3.Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Duy Nhiên (đồng chủ biên), (2008), Dạy và học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4.Hà Thế Ngữ (2001), Giáo dục học - Một số vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

5.Lê Văn Giạng (2001), Những vấn đề cơ bản của khoa học giáo dục, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

 

 

TS. Phạm Thu Hà

Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Tây Bắc

Dẫn nhập

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1]. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một trong những yếu tố dẫn đến sự thắng lợi toàn vẹn là chúng ta đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thông qua công tác dân vận. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đất nước đang ở trong hoàn cảnh còn yếu về mọi mặt, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Một nguồn lực quan trọng nhất là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, nhiệm vụ cách mạng có ý nghĩa quan trọng nhất trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến là vận động toàn dân tham gia kháng chiến. Bài viết sẽ đề cập đến một số vấn đề về công tác dân vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt là trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận

1.1. Khái niệm về dân vận

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[2].

Như vậy, theo quan điểm chủ Chủ tịch Hồ Chí Minh dân vận là tìm cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ về nhiệm vụ thực hiện công việc và lợi ích mà công việc đó mang lại. Bên cạnh đó, người cán bộ khi thực hiện bất kỳ công việc gì thì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân xây dựng kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh thực tiễn, từ đó động viên và tổ chức toàn dân thi hành. Trong lúc thực hiện công việc thì phải có sự theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc và khuyến khích nhân dân. Khi kết thúc công việc thì phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nhiệm, phê bình, khen thưởng…

1.2. Khái niệm về công tác dân vận

Cũng theo Hồ Chí Minh, “công tác dân vận” là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành tập hợp vận động, đoàn kết nhân dân, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng của Đảng.

Như vậy, với mục tiêu xây dựng xã hội của dân, do dân và vì dân thì lực lượng phải là toàn dân. Công tác dân vận cần được hướng vào công cuộc kiến thiết nước nhà và bảo vệ Tổ quốc. Người nêu rõ mục tiêu đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập Tổ quốc từ đó tiến đến xây dựng và kiến thiết nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ.

1.3. Vai trò của công tác dân vận

   Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Điều đó cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng coi trọng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân “Chở thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Người làm lãnh đạo muốn thành công mọi việc cần biết dựa vào sức dân, mà muốn dựa vào sức dân thì phải làm tốt công tác dân vận.

Nhân dân lao động là nguồn gốc, động lực, sức mạnh quyết định sự thành bại của công cuộc cách mạng và cũng chính là đối tượng hưởng thành quả của sự nghiệp đó. Người khẳng định: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi nói đến nguyên nhân tạo nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, Người đã khẳng định đó chính là sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đã nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.

Nói về vai trò của công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”[3]. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại nhất, không sức mạnh nào có thể chiến thắng được lực lượng đó. Xuất phát từ quan điểm đó, Bác đã tha thiết kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp, tín ngưỡng, tôn giáo hãy đồng lòng dốc sức vì dân vì nước. Phải xoá bỏ hết thành kiến, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Có thể thấy công tác dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động sức mạnh dân tộc, viết lên những trang sử hào hùng.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận có ý nghĩa lý luận sâu sắc và thực tiễn thiết thực trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển đất nước. Đặc biệt trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quan điểm về công tác dân vận của Người đã phát huy toàn diện và mang lại những chiến công vẻ vang cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

2. Công tác dân vận trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp

Cách đây 70 năm (19/12/1946-19/12/2016), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc trước âm mưu hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Ở thời điểm đó,  đất nước ta đang còn non yếu về mọi mặt, lại chưa được quốc tế công nhận. Lực lượng cách mạng còn mỏng, chính vì thế, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Nguồn lực chủ yếu lúc này là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định lúc này là vận động toàn dân tham gia kháng chiến, huy động sức dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng. Trong bối cảnh đó, công tác dân vận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và dựa vào sức mình là chính, Đảng đã tập trung cho công tác tuyên truyền, chăm lo đảm bảo đời sống nhân dân. Đồng thời ra sức phát huy vai trò của nhân dân vào củng cố Nhà nước và bộ máy kháng chiến. Do nguồn lực hạn chế nên phương châm chiến lược được xác định là đánh lâu dài, vừa đánh vừa giữ gìn lực lượng. Do vậy, cần tăng cường giác ngộ, tổ chức nhân dân, động viên lực lượng toàn dân vào cuộc kháng chiến.

Trong lĩnh vực kinh tế, Đảng lãnh đạo toàn dân tham gia xây dựng kinh tế kháng chiến theo hướng vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tự cung tự cấp về mọi mặt, bên cạnh đó còn ra sức phá hoại kinh tế của địch.

Trong lĩnh vực văn hoá, Đảng chủ trương xoá bỏ những tàn tích của chính sách văn hoá thực dân, nô dịch của thực dân Pháp, xây dựng nền văn hoá mới dựa trên ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng. Nhiệm vụ của mặt trận văn hoá là động viên toàn dân tham gia chiến đấu, làm cho dân hiểu rõ lý do, mục đích của cuộc kháng chiến và mục tiêu mà cuộc kháng chiến hướng đến.

Triển khai đường lối kháng chiến của Đảng, công tác dân vận đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và tình hình mới. Ở Hà Nội, tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, kháng chiến toàn dân, toàn diện được chuyển tải, lan toả đến đông đảo các tầng lớp dân chúng nhất tề đứng dậy, anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu giữ chân địch trong vòng 60 ngày đêm. Công nhân điện phá máy, tắt đèn, cầm súng đánh địch. Tự vệ chặt cây, nổ mìn, ngả cột điện, đánh đổ xe lửa, xe điện. Nhân dân khuân giường, tủ, bàn ghế ra đường dựng chướng ngại vật chặn bước tiến của địch. Phụ nữ xung phong tải thương, cứu thương. Nông dân các huyện ngoại thành cùng bộ đội và tự vệ xây dựng chiến hào. Tinh thần chiến đấu gan dạ, quả cảm của quân và dân thủ đô đã giam chân một lực lượng quan trọng của địch, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, tạo điều kiện cho hàng vạn đồng bào nội thành rút ra khỏi thành phố an toàn.

Cùng phối hợp với cuộc kháng chiến của nhân dân thủ đô, quân và dân ở các thành phố, thị xã và các địa phương khắp cả nước đã mạnh mẽ vùng lên, chặn các mũi tiến của quân Pháp như: cuộc chiến đấu 90 ngày đêm của nhân dân Nam Định; nhân dân các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng cũng đã ngày đêm chiến đấu bền bỉ làm tiêu hao nghiêm trọng lực lượng địch; trong 50 ngày đêm vây đánh, quân dân ta ở Thành phố Huế đã tiêu diệt 200 quân địch. Quân dân Đà Nẵng đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây, chặn đánh và bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của quân địch. Ở những vùng tạm chiếm, quân dân ta thực hiện chiến lược chiến tranh du kích phối hợp với những cuộc đình công, bãi thị của công nhân, học sinh và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn, thường xuyên quấy rối, chia cắt giao thông, làm rối loạn hậu phương địch ở các thành phố. Trong các vùng có chiến sự, nhân dân triệt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến, “vườn không nhà trống”, phá hoại cầu đường, xây dựng làng chiến đấu và tản cư. Hàng chục vạn đồng bào nghe theo lời kêu gọi “tản cư là kháng chiến” đã tự tiêu huỷ tài sản nhà cửa, không hợp tác với địch, ra vùng tự do.

Ở vùng chiến khu Việt Bắc, cũng với sự giúp đỡ của đông đảo nhân dân các địa phương, căn cứ địa kháng chiến không ngừng được xây dựng, củng cố về mọi mặt, trụ vững trong cuộc kháng chiến lâu dài của quân và dân ta. Việc vận động các tầng lớp nhân dân các dân tộc trên địa bàn Việt Bắc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là thành công lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khối đoàn kết toàn dân được tăng cường thêm bền chặt, quần chúng nhân dân các dân tộc trên địa bàn Việt Bắc được quy tụ trong mặt trận Việt Minh với các đoàn thể Nông hội, Hội phụ nữ, Hội thanh niên và các Hội Liên Việt. Các tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở Việt Bắc đã vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn đóng góp sức người, sức của xây dựng và bảo vệ căn cứ địa kháng chiến.

Trong những ngày đầu khói lửa, công tác dân vận đã được thực hiện ở khắp mọi miền tổ quốc. Trong vùng bị địch chiếm đóng, công tác vận động các giới được tăng cường bằng việc tổ chức công đoàn bí mật, phát huy vai trò của công đoàn trong việc tổ chức sản xuất, chiến đấu và vận chuyển, đào tạo công nhân chuyên nghiệp. Còn ở vùng tự do thì động viên nông dân hăng hái tham gia dân quân, xây dựng làng kháng chiến, phục vụ chiến đấu, sản xuất, phát triển các hình thức đổi công. Động viên giới trí thức, văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến, tham gia các ngành quân y, giáo dục tuyên truyền kháng chiến. Động viên thanh niên gia nhập quân đội, dân quân để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tham gia bình dân học vụ. Động viên phụ nữ tham gia cứu thương, tiếp tế, tăng gia sản xuất, giúp đỡ gia đình chiến sĩ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã hết sức chú trọng việc vận động đồng bào Công giáo và đồng bào các dân tộc thiểu số. Khắc phục những thành kiến, nhận thức lệch lạc với giáo dân và giáo sĩ. Vạch trần âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của địch hòng chia rẽ đồng bào với Chính phủ và Mặt trận Việt Minh. Tổ chức Đảng, Mặt trận đã không ngừng vận động đồng bào dân tộc thiểu số chống lại âm mưu lập các vùng tự trị của địch, chăm lo đời sống vật chất của đồng bào, tôn trọng phong tục, tập quán, thuyết phục và cảm hoá các Lang, Phìa. Lập Uỷ ban dân tộc thiểu số ở từng vùng. Đối với đồng bào Hoa Kiều, ta đã tôn trọng và bảo vệ tài sản, giúp họ di cư, tản cư. Đối với công tác địch vận, Đảng ta cũng đã sử dụng nhiều hình thức, tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền, vận động làm ta rã tình thần binh lích địch. Cổ vũ lính Pháp phản chiến, đối xử nhân đạo với tù binh.

Trên mặt trận đấu tranh quân sự, Trung ương Đảng đã động viên đồng bào cả nước ra sức kháng chiến, ra lệnh cho đoàn thể bộ đội, dân quân tự vệ kiên quyết chiến đấu, xung phong tiêu diệt địch. Mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng phải là một chiến hào. Ở Việt Bắc, bộ đội ta vừa phân tán làm công tác vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến, vừa rải lực lượng thành phân đội ngăn chặn địch trên các tuyền đường vào căn cứ. Nhân dân ở các địa phương đã đóng góp sức người, sức của để xây dựng căn cứ địa, nhiều gia đình đã nhường nhà để cán bộ ở, hằng trăm đội du kích thoát ly ra đời ngày đêm canh gác, bảo vệ căn cứ kháng chiến.

Kết luận

Như vậy, công tác dân vận đã đạt thành công to lớn, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi đường lối kháng chiến của Đảng ngay từ đầu. Nhân dân từ miền xuối đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi, không phân biệt già trẻ, trai gái, thành phần giai cấp, tôn giáo, dân tộc đã tích cực tham gia xây dựng chính quyền, tăng gia sản xuất, cứu đói, xoá nạn mù chữ, chuẩn bị thực lực mọi mặt để tập trung cho cuộc kháng chiến toàn diện, lâu dài để bảo vệ nền độc lập, tự do. Công tác dân vận đã góp phần củng cố niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với tấm lòng son sắt, thuỷ chung, không gì lay chuyển được. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là sự thành công từ việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân..."; phát huy tới mức cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Quán triệt và vận dụng triệt để quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận cũng như quá trình rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích từ sự thành công của công tác dân vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, trong giai đoạn hiện nay, quan điểm về công tác dân vận được thể hiện cụ thể như: (1) Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ. (2) Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, nhưng gì có hại cho dân thì hết sức tránh. (3) Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. (4) Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt. (5) Nhà nước tiếp tục thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện công tác dân vận; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr. 698-700.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 212

[3] http://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2014/7804/Van-dung-quan-diem-Dan-van-kheo-cua-Chu-tich-Ho-Chi.aspx

 

[4] http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/1707-cong-tac-van-dong-nhan-dan-nhung-ngay-dau-toan-quoc-khang-chien.html

[5] http://vienkiemsatbrvt.gov.vn/portal/p/1172

 

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr. 698-700.

[2]http://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2014/7804/Van-dung-quan-diem-Dan-van-kheo-cua-Chu-tich-Ho-Chi.aspx

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 212

HỘI NGHỊ SINH VIÊN KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2016 – 2017

 

 

Th.S Đào Văn Trưởng

 

 Trong không khí cả nước và ngành Giáo dục đang có nhiều họat động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 nhằm tri ân và tôn vinh những người đã, đang và sẽ cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả, khoa Lý luận Chính trị, trường đại học Tây Bắc đã long trọng tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học vào ngày 19/11/2016 tại hội trường B5. Tham dự hội nghị có TS. Lê Thị Hương, Trưởng khoa Lý luận Chính trị; TS. Phạm Thu Hà, Phó Trưởng khoa, cùng các thầy cô giáo là cán bộ, công chức, viên chức, cùng với sự có mặt của hơn 500 các bạn sinh viên đến từ khoa Lý luận Chính trị.  

 

 

Sau phần khai mạc, hội nghị đã được lắng nghe báo cáo tổng kết công tác sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2015-2016 do T.s Phạm Thu Hà, Phó Trưởng khoa Lý luận Chính trị trình bày.

Năm học vừa qua, công tác NCKH của sinh viên luôn được BCN khoa và tập thể cán bộ giảng viên quan tâm, chú trọng phá triển cả về số lượng và chất lượng. Việc quản lý ngày càng đi vào nề nếp, luôn có sự thống nhất cao trong công tác triển khai, chỉ đạo các bước tiến hành tổ chức họat động NCKH của sinh viên, đánh giá chất lượng các đề tài NCKH được thực hiện một cách khoa học và đúng quy định, phát huy được tinh thần trách nhiệm và niềm đam mê trong công tác NCKH của giảng viên và sinh viên.

 

Kết quả trong năm học 2015-2016, Khoa có 4 đề tài NCKH cấp trường của sinh viên đạt giải suất sắc với nhiều lĩnh vực phong phú, nội dung đa dạng dưới sự hướng dẫn của các giảng viên có kinh nghiệm NCKH, công tác đánh giá, nghiệm thu được tổ chức nghiêm túc, khách quan. Bốn đề tài đạt giải gồm: đề tài Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Mường La- Sơn La của nhóm tác giả Mùi Thị Hoàng Yến do Th.S Đỗ Huyền Trang hướng dẫn; đề tài Nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên Lý luận Chính trị trường đại học Tây Bắc của nhóm tác giả Lừ Thị Sơn do Th.S Đèo Thị Thủy hướng dẫn; đề tài Thực trạng nghiện game Online trong sinh viên trường đại học Tây Bắc của nhóm tác giả Tòng Văn Phương do Th.S Nguyễn Thị Hương hướng dẫn; đề tài Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc H Mông ở huyện Mộc Châu - Sơn La của nhóm tác giả Lò Thị Ngoan do Th.S Đinh Thế Thanh Tú hướng dẫn

Như vậy, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2016 - 2017 khoa Lý luận Chính trị năm học 2016-2017 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Những thành tích đạt được trong họat động NCKH, là động lực quan trọng để thầy và trò tiếp tục nỗ lực cố gắng gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa trong thời gian tới.

 

 

 

KHÍ CHẤT VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC HỌC SINH TEMPER AND STUDENT EDUCATION ISSUES

 

Th.S Giáp Thị Dịu

 

Summary: In this article I am referring to the role of temperament understanding of students in learning activities and work . On the basis of specific insights about the temperament of students, educators need to choose the appropriate educational measures to promote the positive and minimize the negative aspects of each type of typical aura and ultimately to improve the efficiency of education .

key word:  Temper; Educational orientation; methods and forms of education

1.     Tầm quan trọng của việc hiểu biết về khí chất của học sinh trong công tác giáo dục.

Ngay từ thời cổ đại, Hypocrat (460-356 TCN) danh y Hylạp đã cho rằng cơ thể con người có bốn thứ nước với bốn đặc tính khác nhau:

-         “Máu” ở tim có đặc tính nóng.

-         “Nước nhờn” ở bộ não có đặc tính lạnh lẽo.

-         “Nước mật vàng” ở trong gan thì khô ráo.

-         “Nước mật đen trong dạ dày thì ẩm ướt.

Tùy theo thứ nước nào chiếm ưu thế mà cá nhân có loại khí chất tương ứng.

Chất ưu thế

Loại khí chất tương ứng

Máu

“Hăng hái” (Sanguin)

Nước nhờn

“Bình thản” (fbgmatique)

Mật vàng

“Nóng nảy” (cholerique)

Mật đen

“Ưu tư” (Messlancolique)

I.P.Pavlov (nhà sinh lý học người Nga) đã khám phá ra trong hoạt động thần kinh của con người có hai quá trình cơ bản, đó là quá trình hưng phấn và quá trình ức chế. Hai quá trình đó lại có ba thuộc tính cơ bản, đó là: cường độ hoạt động, tính cân bằng và tính linh hoạt. Sự kết hợp giữa ba thuộc tính đó sẽ tạo ra bốn kiểu hoạt động thần kinh, là cơ sở của bốn loại khí chất.

Kiểu thần kinh

Kiểu khí chất tương ứng

Mạnh mẽ, cân bằng, linh hoạt

Hăng hái (Sanguin)

Mạnh mẽ, cân bằng, không linh hoạt

“Bình thản” (fbgmatique)

Mạnh mẽ, không cân bằng

“Nóng nảy” (cholerique)

Yếu

“Ưu tư” (Messlancolique)

Mỗi kiểu khí chất trên có mặt mạnh, mặt yếu tùy thuộc vào những tình huống cụ thể trong đời sống của mỗi cá nhân. Trong thực tế thì loại hình thần kinh - khí chất của con người lại biến đổi theo lứa tuổi, biến đổi theo sự biến đổi của đời sống xã hội và chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục nhất định. Ngày nay người ta thấy ở con người có những kiểu khí chất trung gian, bao gồm nhiều đặc tính của bốn kiểu khí chất trên. Chính vì thế, trong công tác giáo dục, việc hiểu biết về các đặc điểm khí chất của học sinh có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chỉ có trên cơ sở có những hiểu biết đầy đủ về khí chất của các em, nhà giáo dục mới có thể đưa ra những ứng xử phù hợp, nhằm tạo hiệu ứng giáo dục cao.

          Những nhà giáo dục nói chung, thầy giáo nói riêng cần có sự quan sát lâu dài và toàn diện, có sự phân tích khoa học thì mới có thể xác định được chính xác loại hình thần kinh và khí chất cơ bản của học sinh. Tất nhiên là không thể đòi hỏi phải xác định học sinh này, học sinh kia thuộc hẳn vào một loại khí chất nào đó một cách cứng nhắc, mà điều cần thiết là phải phán đoán được những thuộc tính chủ yếu trong loại hình thần kinh của các em, như: cường độ hưng phấn - ức chế mạnh hay yếu; hai quá trinh đó cân bằng hay không cân bằng và linh hoạt hay không linh hoạt. Đồng thời xem xét những thuộc tính đó chi phối hoạt động tâm lý của học sinh như thế nào trong hoạt động học tập, lao động và sinh hoạt.

Cường độ của quá trình hưng phấn thường biểu hiện ở tính tích cực về trí lực và thể lực tương đối ổn định, bền vững ở khả năng cố gắng làm việc khẩn trương và lâu dài, ở khả năng tập trung sức chú ý.

Cường độ của quá trình ức chế thường biểu hiện ở tính kiên trì, bền bỉ, không nôn nóng; biểu hiện ở khả năng tự kiềm chế, trấn tĩnh, chống lại sự phân tán chú ý, chống lại những hứng thú không có lợi cho việc học tập, lao động.

Biểu hiện rõ rệt nhất của của cường độ ở cả hai quá trình thần kinh là khả năng hoàn thành khối lượng công tác, là năng suất làm việc trong một thời gian nhất định. Những ưu điểm trên là biểu hiện chủ yếu của loại hình thần kinh mạnh - cân bằng.

Loại hình thần kinh yếu thường biểu hiện ở chỗ hay chán nản, yếu đuối, ủy mị, thái độ “bất lực” trước những việc quan trọng. Biểu hiện tương đối phổ biến của loại hình thần kinh không cân bằng là hiện tượng thất thường trong học tập, hay “bốc” mà cũng hay “xẹp”, dễ nổi nóng, dễ mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, bền bỉ.

Tính linh hoạt của những quá trình thần kinh biểu hiện ở sự thích ứng nhanh

chóng, dễ dàng với những biến đổi của quá trình sinh hoạt, học tập, như khi chuyển từ môn học này sang môn học khác; công việc này sang công việc khác; nếp sinh hoạt này sang nếp sinh hoạt khác…Một biểu hiện khá thông thường, đáng chú ý của tính linh hoạt là sự chuyển nhanh từ trạng thái ngủ sang trạng thái tỉnh táo và ngược lại trong những điều kiện bình thường.

Một điều cần chú ý là các thuộc tính của một loại hình thần kinh nào đó phải được xác định trong toàn bộ hoạt động tâm lý lâu dài, các thuộc tính đó phải là các thuộc tính chủ yếu nhất, bao quát nhất. Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu các thuộc tính đó, ta thường dùng cách so sánh (đó là một biện pháp cần thiết). Tuy nhiên khi so sánh chúng ta phải chú ý tới những điều kiện thực tế nhất định, để tráng tình trạng ngộ nhận về khí chất của con người. Ví dụ: tình trạng “ưu tư”, “không linh hoạt” có thể xảy ra trong một thời gian khá dài ở một học sinh vốn có năng suất học tập, công tác cao (loại hình thần kinh mạnh, cân bằng), do vì vừa qua cơn bạo bệnh, hoặc do gia đình có một biến cố đau thương…trường hợp đó không thể đem ra so sánh với một học sinh khác đang mạnh khỏe bình thường được.

2. Xác định phương hướng giáo dục

Việc tìm hiểu khí chất của học sinh xét đến cùng là nhằm để xác định phương hướng giáo dục tối ưu đối với các em. Vấn đề này cũng cần phải hết sức thận trọng, và cần phải xét tới một số điểm sau:

2.1. Tính  hai mặt của khí chất

Khí chất chủ yếu chi phối về mặt hình thức biểu hiện của hoạt động tâm lý (mức độ xúc động, động lực của các quá trình thần kinh) chứ hoàn toàn không quyết định mức độ của hoạt động tâm lý, nói một cách khác thì không phải do loại hình thần kinh mà sự phát triển trí tuệ, tình cảm bị giới hạn. Thực tiễn giáo dục đã chứng minh điều đó. Khi nghiên cứu khí chất của nhiều học sinh học tập giỏi, công tác tốt, ta có thể thấy rằng những học sinh ưu tú này cũng đại biểu cho các loại khí chất cơ bản. Có em đạt kết qủa học tập cao nhờ tính linh hoạt, khẩn trương trong học tập và công tác; có em học tập giỏi, công tác tốt nhờ tính kiên trì, chu đáo; có em lại thành công vì nhờ có cường độ làm việc phi thường; lại có em thu được nhiều thành tích trong học tập nhờ vào sự suy nghĩ sâu sắc, thâm trầm hoặc nhờ vào óc tưởng tượng kỳ diệu…

Nhà giáo dục lại càng cần phải nắm bắt rõ nhất tính hai mặt của khí chất của học sinh mà xác định phương hướng giáo dục sao cho có thể phát huy tối đa mặt tích cực và hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của nó.

Đối với bốn loại hình thần kinh và khí chất cơ bản nói trên hai mặt tích cực và tiêu cực của nó biểu hiện như sau:

Loại cần bằng - nhanh, có ưu điểm là nhanh nhẹn, hoạt bát…nhưng hoàn cảnh nhất định nào đó nó lại thể hiện sự “phân tán”, “tiền hậu bất nhất”, có hại cho học tập và công tác.

Loại không cân bằng có mặt tích cực là có tinh lực rất dồi dào, có thái độ quyết liệt trong khi đấu tranh để vượt trở ngại, khó khăn. Nhưng nhiều khi dễ biến thành nóng nảy, bộp chộp, thất thường, thậm chí có thể “liều mạng”.

Loại hình thần kinh yếu có mặt tích cực là suy nghĩ sâu sắc, nhìn thấy mọi mặt của khó khăn, trở ngại, lường trước được hậu quả xa, tưởng tượng phong phú…nhưng mặt khác lại dễ trở thành ngại khó, ngại khổ, mơ mộng viển vông…

Như vậy, với bất kỳ loại khí chất nào đó trong từng trường hợp cụ thể cũng biểu hiện thông qua những mối liên hệ thần kinh nhất định, là kết quả đấu tranh giưa hai mặt đó.

Căn cứ vào những điều kiện nói trên ta thấy rằng vấn đề không phải ở chỗ thay đổi loại khí chất này bằng loại khí chất khác, mà là ở chỗ làm sao phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của từng loại khí chất vốn có của học sinh bằng cách thành lập những mối liên hệ tạm thời mới, nghĩa là hình thành những phản xạ có điều kiện mới, hay nói khác đi là tiến hành giáo dục cho tốt.

2.2.          Lựa chọn biện pháp, hình thức giáo dục

Sau khi đã nắm được những tuộc tính chủ yếu của các loại hình thần kinh và nắm được “tính hai mặt” của khí chất học sinh, chúng ta cần tìm những biện pháp, hình thức giáo dục phù hợp với từng loại khí chất của từng học sinh để làm sao cho cùng một nội dung giảng dạy - giáo dục có thể đạt được kết quả tốt nhất đối với từng loại khí chất điển hình, ta cần có biện pháp giáo dục riêng, Người thầy giáo cần đem hết tài quan sát và óc sáng tạo ra để lựa chọn đúng những biện pháp giáo dục thích hợp.

Ví dụ: phê bình nghiêm khắc, vạch rõ những khuyết điểm là việc cần thiết, bổ ích đối với loại hình thần kinh mạnh - cân bằng, khiến cho những học sinh thuộc loại này quyết tâm khắc phục thiếu sót để tiến bộ. Song cách này lại có thể có tác dụng xấu đối với loại hình thần kinh yếu, như là gây tâm lý tự ty, chán nản cho các em. Với những học sinh thuộc loại hình khí chất này, nếu ta nhấn mạnh những kết quả đã đạt được, khuyến khích các em bằng cách vạch ra những triển vọng tốt đẹp có thể vươn tới được, chỉ rõ những thuận lợi và khả năng vốn có nơi các em thì nhất định sẽ gây được lòng tự tin, gây được quyết tâm hàng động và từ đó làm cho các em nhìn thấy những tồn tại và tự mình sửa chữa những tồn tại đó. Tương tự như vậy, trong quá trình giảng dạy tri thức mới, nếu ta đặt ngay yêu cầu cao như, hiểu sâu sắc, nắm vững bài… ngay trong giờ học đối với những học sinh có kiểu loại hình thần kinh cân bằng - chậm thì có thể sẽ là không thực tế. Song đối với những học sinh có kiểu loại hình thần kinh cân bằng - nhanh thì lại là việc làm thích hợp.

Đối với những học sinh thuộc loại hình thần kinh yếu, thì giáo viên cần phải khích lệ, nâng đỡ các em tham gia các hoạt động với yêu cầu khắc phục khó khăn được nâng cao dần dần từng bước. Cần phải nắm vững nguyên tắc lấy sự phấn khởi do khắc phục được khó khăn trong công tác trước, làm đà thực hiện công tác sau với yêu cầu cao hơn.

Đối với những em có kiểu loại hình thần kinh không cân bằng, cần phải dần dần và khéo léo đưa họ vào những công tác đòi hỏi tính kiên nhẫn, bền bỉ với yêu cầu ngày càng cao, nhằm mục tiêu nâng cao dần khả năng ức chế trong hoạt động thần kinh của các em. Đồng thời cũng cần thay đổi cách phê bình, từ chung chung sang trực diện khi các em mắc khuyết điểm. Lẽ đương nhiên là phải kiên nhẫn, tránh để xảy ra những cuộc va chạm “nảy lửa” đối với những em này.

Trong sắp xếp thời gian biểu, đặt kế hoạch giảng dạy từng bài…chúng ta cũng cần xét đến những đặc điểm khí chất của học sinh. Ví dụ những biến đổi quá đột ngột giữa các bài hay giữa các phần của bài…có thể gây khó khăn cho một số học sinh. Một số thầy giáo ít quan tâm tới hình thức chuyển tiếp, cho nên vô tình gây ra những thay đổi đột ngột trong khi giảng bài, khi nói chuyện, hay khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Tình trạng đó khiến cho nhiều học sinh thuộc loại hình thần kinh yếu, chậm và không linh hoạt không thể theo kịp nhịp độ bài giảng. Đó là một trong những nguyên nhân cần phải kể đến của tình trạng không nắm được bài ngay trên lớp, học tập mật nhọc “chữ thầy lại trả lại thầy”. Chúng ta cũng biết rằng, duy trì một động hình bao giờ cũng dễ dàng và tốn ít năng lượng hơn là tạo dựng một động hình mới. Luôn luôn phải thay đổi động hình là một khó khăn đối với những học sinh có loại hình thần kinh yếu - không cân bằng và chậm. Việc xây dựng được nhiều động hình trên vỏ não, rèn luyện cho hệ thần kinh quen với sự thay đổi động hình là mục tiêu của công tác giáo dục. Song nó phải dựa trên cơ sở thích hợp với các loại hình thần kinh, tránh tình trạng gây nhiễu loạn trong hoạt động thần kinh của các em.

Tránh những thay đổi quá đột ngột, chú trọng đúng mức tới các hình thức chuyển tiếp phù hợp với khí chất của học sinh sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học tập, lao động và sinh hoạt của các em, khiến cho các em tiếp thu tốt sự giáo dục và giáo dưỡng của nhà trường. Thầy giáo cần phải nghiên cứu kỹ mọi vấn đề, không nên quy kết hấp tấp là học sinh này lười học, học sinh kia dốt … cái mà ta gọi là “lười”, là “dốt” đó nhiều khi lại là hậu quả của tình trạng thầy giáo không quan tâm đúng mức tới khí chất của học sinh. Chính vì vậy mà khoa học giáo dục đã nêu cao nguyên tắc: “Chú ý đến đặc điểm của đối tượng giáo dục”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tóm tắt

Trong bài này tôi đề cập tới vai trò của việc hiểu biết về khí chất của học sinh trong hoạt động học tập và công tác. Trên cơ sở có những hiểu biết cụ thể về khí chất của học sinh, nhà giáo dục cần lựa chọn các biện pháp giáo dục thích hợp nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế tối đa mặt tiêu cực của từng loại khí chất tiêu biểu và cuối cùng là nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục.

Từ khóa: khí chất; định hướng giáo dục; phương pháp và hình thức giáo dục.

Tài liệu tham khảo

1.                           Phạm Minh Hạc (chủ biên), Nguyễn Kế Hào, Nguyễn Quang Uẩn. Tâm Lý Học. NXBGD - 1993.

2.                           Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng. Tâm Lý học Lứa tuổi và tâm lý học Sư phạm.

3.                           Trần Thị Tuyết Oanh (chủ biên), Phạm Khắc Chương, phạm Viết Vượng, Nguyễn Văn Diện, Lê Tràng Định. Giáo Dục Học Tập 2. NXBDHSP - 2005.

4.                           Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên), Trần Hữu Luyến, Trần Quốc Thành. Tâm lý học đại cương. Hà Nội - 1996.

Tên tác giả

Tên tác giả: Nguyễn Công Tâm

Thạc sỹ, chuyên nghành lý luận và lịch sử giáo dục học.

Giảng viên bộ môn Tâm lý – giáo dục trường Đại học Tây Bắc.

Tên bài báo: “Khí chất với vấn đề giáo dục học sinh”

 

 

 

 

 

HỒ CHÍ MINH – NGƯỜI ĐẶT NỀN TẢNG CHO GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

 

Th.S Nguyễn Thị Thùy Linh

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người. Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, Bác cũng là chiến sỹ tiên phong “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”, giải phóng họ khỏi ách áp bức bóc lột và thống trị của thực dân, phong kiến, giải phóng họ khỏi sự ràng buộc của hệ tư tưởng, tập quán và định kiến xấu xa, lạc hậu, lỗi thời, tạo thuận lợi cho cả dân tộc và từng người dân vươn lên làm chủ nền văn hóa, làm chủ vận mệnh và tương lai của chính mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kế tục và phát triển cao hơn cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ của thế hệ những người Việt Nam yêu nước cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX, từ các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các sĩ phu yêu nước. Người đã tố cáo đanh thép, có hệ thống trước công luận trong nước và ngoài nước tội ác của chế độ thực dân trong việc “làm cho dân ngu để dễ trị” và trong việc gieo rắc một nền “giáo dục đồi bại xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát”, dũng cảm đấu tranh trực diện với bè lũ thống trị thực dân Pháp, đòi quyền “tự do học tập” và thực hành giáo dục toàn dân. Đồng thời, người đã để công tìm kiếm, phát hiện và giới thiệu cho đất nước những tiến bộ của nền giáo dục kiểu mới - nền giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa mang tính nhân đạo và tính dân chủ cao, bảo đảm cho sự phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của con người.

Cùng với thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng Tám, Người đã khai sinh ra nền giáo dục mới, tiến bộ, dân tộc, nhân dân, khoa học, dân chủ và đại chúng, đặt cơ sở cho nền quốc học nhân dân của nước ta - nền giáo dục Việt Nam hiện đại. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của buổi đầu mới giành được độc lập, giữa lúc kinh tế kiệt quệ, thiên tai, nạn đói hoàn hành, thù trong giặc ngoài ra sức chống phá để tiêu diệt cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân ra sức thực hiện 3 nhiệm vụ vô cùng trọng đại và cấp bách là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tổ chức vĩ đại của công cuộc biến đổi cả dân tộc từ chỗ hơn 95% dân số mù chữ, dân ta đã trở thành một dân tộc có văn hóa, khoa học, đủ khả năng để giành độc lập tự do cho đất nước và ngày nay có một đội ngũ trí thức tài năng, tận tụy vì sự nghiệp giải phóng nhân dân, xây dựng đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đề xướng và lãnh đạo nhân dân thực hiện hàng loạt chủ trương to lớn, đúng đắn và sáng suốt, như phổ cập giáo dục cơ sở, từng bước nâng cao trình độ học vấn, phổ thông cho người lao động, đào tạo cán bộ, đào tạo nhân tài, bồi dưỡng cho đất nước một thế hệ công nhân, nông dân, quân nhân, trí thức cả trai và gái, thuộc mọi tầng lớp, mọi dân tộc, giàu lòng yêu nước, quý trọng độc lập tự do, tận tụy phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, biết tự rèn luyện mình theo những chuẩn mực đạo đức và những giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,  không ngừng khiêm tốn học hỏi, dũng cảm, năng động, sáng tạo trong lao động và chiến đấu, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đảng và dân tộc.

Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là cơ sở, là nguồn ánh sáng soi đường cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua và cả trong các giai đoạn cách mạng sắp tới. Mọi thành quả to lớn trong lĩnh vực giáo dục của Người, do Người đề ra các mục sát hợp, chỉ ra cách làm sáng tạo, động viên và tổ chức các lực lượng đông đảo của xã hội tham gia sự nghiệp bồi dưỡng và đào tạo những thế hệ mới.