VỊ TRÍ, VAI TRÒ MÔN NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

 

                                                                                Th.S Hoàng Phúc

 

          Ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa Mác – Lênin là kết quả đỉnh cao của tư duy khoa học, là kim chỉ nam cho mọi hành động của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức toàn thế giới trong cuộc đấu tranh tự giải phóng mình. Bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin không dừng lại ở nhận thức mà hướng tới mục tiêu đích thực là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, với ba bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ những nhận định trên, ta có định nghĩa Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học do C.Mác, Ph.Ăngghen sáng lập và sự phát triển của V.I.Lênin, được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị tư tưởng nhân loại và tổng kết thực tiễn thời đại; là thế giới quan, phương pháp luận phổ biến của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng; là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người. (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb CTQG, HN, 2013).

Như vậy, nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin bao quát các lĩnh vực tri thức hết sức rộng lớn với nhiều giá trị khoa học và thực tiễn không chỉ với lịch sử gần 170 năm qua mà với thế giới đương đại nó vẫn còn nguyên những giá trị bất hủ. Ngày nay, có thể có nhiều học thuyết với lý tưởng nhân đạo về giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động và giải phóng con người khỏi ách áp bức nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới là học thuyết khoa học nhất, cách mạng nhất và chân chính nhất để thực hiện lý tưởng ấy.

          Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Đảng lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động.Chính vì vậy, việc nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sâu sắc, có hệ thống đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết đối với toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đây cũng là yêu cầu để nâng cao trình độ lí luận chính trị, đấu tranh để bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH đất nước.

Môn học Những NLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin chính thức được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường ở bậc ĐH, CĐ từ năm học 2008 - 2009 đến nay (trước đó là các môn học độc lập: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học). Đây là môn học thuộc kiến thức giáo dục cơ bản trong chương trình khung giáo dục Đại học, thuộc nhóm ngành khoa học chính trị, nó quan hệ chặt chẽ với các môn khoa học xã hội nhân văn mà đặc biệt là môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết quả nghiên cứu lí luận về chủ nghĩa Mác - Lênin đã góp phần quan trọng vào việc củng cố nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và là kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức, tình cảm và niềm tin đối với sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN cho sinh viên. Như vậy, môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin còn giúp cho sinh viên xác lập cơ sở lý luận cơ bản nhất để từ đó có thể tiếp cận được nội dung môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiểu biết nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng cho sinh viên Việt Nam

  Thông qua kiến thức môn học, từng bước xác lập thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận chung nhất để tiếp cận các khoa học chuyên ngành được đào tạo. Bước đầu biết vận dụng các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin vào nghiên cứu các khoa học cụ thể, cũng như phân tích những vấn đề cuộc sống đặt ra.

Ngoài ra môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin còn giúp người học phát triển tư duy lý luận, tự giác trau dồi phẩm chất chính trị, tinh thần và năng lực tư duy sáng tạo, biết khái quát và giải đáp được những đòi hỏi cấp bách của công cuộc đổi mới mà thực tiễn đặt ra, phục vụ sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nội dung môn học, ngoài 1 chương mở đầu nhằm giới thiệu khái lược về chủ nghĩa Mác - Lênin và một số vấn đề chung của môn học. Căn cứ vào mục tiêu môn học, nội dung chương trình môn học được cấu trúc thành 3 phần, 9 chương: Phần thứ nhất có 3 chương bao quát những nội dung cơ bản về thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; Phần thứ hai có 3 chương trình bày ba nội dung trọng tâm thuộc học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; Phần thứ ba có 3 chương, trong đó có 2 chương khái quát những nội dung cơ bản thuộc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội và 1 chương khái quát chủ nghĩa xã hội hiện thực và triển vọng.

Do vị trí và tính đặc thù của môn học, nên yêu cầu về khả năng tư duy độc lập của sinh viên rất cao. Với thời lượng một số tín chỉ lý thuyết trên lớp, giảng viên không thể cung cấp được toàn bộ kiến thức khoa học mà môn học đặt ra, để đạt được mục tiêu môn học, nhất thiết sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của người dạy, vì lượng tri thức giảng viên trang bị cho sinh viên chỉ dừng ở mức “cần” cơ bản, còn điều kiện “đủ” đó chính là năng lực tự học, tự nghiên cứu, thói quen chủ động trong nhận thức, lĩnh hội tri thức. Rèn luyện các kỹ năng tự học, là từng bước giúp cho sinh viên có khả năng định hướng và tự nắm bắt đối tượng học tập, nghiên cứu một cách chính xác trong hoạt động trí tuệ, có khả năng sử lý nhạy bén các thông tin trước những tình huống khác nhau cả về lý luận và thực tiễn (bản thân thông tin chưa là tri thức khi chưa được sử lý), biết phê phán, phân tích đánh giá các quan điểm, lý thuyết và phương pháp của người khác để tiếp thu cái hay cái tốt, khắc phục cái lạc hậu, lệch lạc và quan trọng hơn cả là hình thành được tính độc lập trong tư duy và huy động được tri thức lý luận và kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra mà không phụ thuộc vào người khác.

Là môn khoa học chính trị có tính khái quát, trừu tượng cao, với nhiều phạm trù, nguyên lý, quy luật và những kiến thức khoa học xã hội nhằm trang bị thế giới quan và phương pháp luận trong việc nghiên cứu, học tập các môn khoa học khác. Với lượng kiến thức rộng mà môn học này cần trang bị cho sinh viên nên yêu cầu trong dạy học định hướng phát triển năng lực tự học cho sinh viên là hết sức cần thiết, với 5 tín chỉ cho cả ba phần triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học, giảng viên chỉ có thể trang bị trên lớp những kiến thức hết sức cơ bản, còn lại phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Có thể nói, việc tổ chức hoạt động dạy học hướng sinh viên vào việc tự giác, tích cực của cá nhân trong quá trình tự học, tự nghiên cứu đóng vai trò quyết định đến việc hình thành và phát triển năng lực tự học và chất lượng học tập môn học này.

 

 

ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN QUAN ĐIỂM DUY VẬT VỀ LỊCH SỬ

 

Người viết: Đào Thị Thúy Loan

Phân kỳ lịch sử triết học cho phép có thể hiểu biết lịch sử triết học không chỉ như là một quá trình biến đổi, phát triển liên tục, mà còn là quá trình bao gồm những sự đứt đoạn làm thành các giai đoạn riêng, trong đó mỗi giai đoạn được đặc trưng bằng một chất lượng phát triển mới mà các giai đoạn khác không thể thay thế. Sự phân chia chính xác các giai đoạn của lịch sử triết học sẽ góp phần quan trọng để hiểu biết đúng đắn nội dung và ý nghĩa lịch sử của mỗi giai đoạn, cũng như toàn bộ lịch sử triết học đối với thực tiễn và nhận thức của loài người. Tuy nhiên, lịch sử triết học là một quá trình nhiều mặt. Ngay trong mỗi giai đoạn riêng của nó cũng có thể bao gồm nhiều học thuyết, quan điểm khác nhau và mỗi học thuyết, quan điểm đó đều có lịch sử của nó. Do vây, cần phải áp dụng một cách toàn diện, cụ thể quan điểm phân kỳ trong nghiên cứu, có nghĩa là phải chỉ ra một cách chính xác, rõ ràng đặc điểm của các giai đoạn hợp thành lịch sử của từng quan điểm, học thuyết triết học riêng biệt đó.

Lịch sử triết học Mác – Lênin là một giai đoạn của lịch sử triết học nhân loại nói chung. Nó cũng là một quá trình nhiều mặt. Vì vậy, có thể phân kỳ toàn bộ quá trình hình thành, phát triển triết học Mác – Lênin như chúng ta đã được thấy trong các giáo trình lịch sử triết học Mác – Lênin, cũng có thể phân theo các nội dung cơ bản như: lịch sử của phép biện chứng duy vật, lịch sử về quan niệm duy vật về lịch sử, thậm chí lịch sử của từng phạm trù, nguyên lý, quan điểm riêng biệt của nó. Bài viết này nhằm chỉ ra đặc điểm của các giai đoạn hình thành, phát triển quan niệm duy vật về lịch sử dựa trên việc áp dụng quan điểm phân kỳ nói trên.

Có thể nói, cho đến nay chưa có tác phẩm nào thể hiện rõ việc nghiên cứu một cách độc lập lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử.Thông thường, lịch sử của quan niệm này được trình bày đồng thời với lịch sử triết học Mác – Lênin nói chung. Do đó, sự phân chia các giai đoạn trong lịch sử của quan niệm này thường được đồng nhất với các giai đoạn lịch sử triết học Mác – Lênin về cả nội dung lẫn hình thức. Hơn nữa, đặc điểm của mỗi giai đoạn trong sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa duy vật lịch sử đã không thật sự làm nổi bật trong tương quan với toàn bộ lịch sử triết học Mác. Để khắc phục điều đó, phải áp dụng cụ thể quan điểm phân kỳ trong nghiên cứu độc lập lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử, phải căn cứ vào những mối liên hệ bên trong và sự phát triển logic của nó, tức là quá trình hình thành, phát triển nội dung khoa học của nó. Đó là quá trình đã được tách ra một cách tương đối các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội đương thời và lịch sử của chủ nghĩa Mác, cũng như triết học Mác nói chung; chỉ còn là tiến trình hình thành, phát triển của các tư tưởng, khái niệm, phạm trù, quy luật, nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử và hệ thống của chúng. Theo cách tiếp cận đó, lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử được phân chia thành 3 giai đoạn chính: 1. Thời kỳ hình thành những tư tưởng khoa học về lịch sử; 2. Sự ra đời của quan niệm duy vật về lịch sử; 3. Quá trình phát triển của quan niệm duy vật về lịch sử. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ nêu ra những đặc điểm chính của mỗi giai đoạn nói trên.

Giai đoạn thứ nhất: Thời kỳ hình thành những tư tưởng khoa học về  lịch sử khoảng từ năm 1842 đến năm 1845. Đây là giai đoạn đánh dấu bước chuyển của Mác từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa, thể hiện qua tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen” và “ Lời nói đầu” của tác phẩm này. Năm 1845 đánh dấu bằng việc Mác và Ănghen đã chuẩn bị xong các tiền đề tư tưởng để xây dựng một cách có hệ thống quan niệm duy vật về lịch sử. Điều này thể hiện rõ ở sự ra đời “Luận cương Phoiơbắc” – tác phẩm được Ănghen coi là nơi chứa đựng “mầm mống thiên tài của một thế giới quan mới”. Trong giai đoạn này còn có tác phẩm tiêu biểu khác thể hiện quá trình hình thành những tư tưởng khoa học về lịch sử như “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”, “Gia đình thần thánh”.

Nói chung, mốc thời gian được xác định ở trên không có gì khác so với những cách phân chia thông thường trong sách giáo khoa về lịch sử triết học Mác – Lênin. Nhưng cách phân chia đó khi được áp dụng đối với lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử tôi nhận thấy nét đặc trưng của giai đoạn này chính là sự hình thành những tư tưởng khoa học về lịch sử. Trong giai đoạn này, quan điểm duy vật về lịch sử chưa xuất hiện dưới hình thức các phạm trù, khái niệm, quy luật về lịch sử và hệ thống của chúng. Đây mới chỉ là sự đề xuất, phác họa những điểm cơ bản, quan  trọng nào đó thuộc nội dung các phạm trù, khái niệm, quy luật và cả tính hệ thống của chúng, thể hiện ở nhiều luận điểm khác nhau về con người, xã hội, kết cấu xã hội, lao động sản xuất, mối quan hệ giữa xã hội và tự nhiên, quá trình phát triển xã hội…Tuy nhiên, những luận điểm đó mang tính khoa học, vì chúng đã quán triệt quan điểm duy vật biện chứng trong việc nhận thức các hiện tượng, quá trình lịch sử, do đó chúng phản ánh khá chính xác những mặt, những mối liên hệ nhất định của đời sống xã hội. Tính tư tưởng của các luận điểm đó thể hiện ở chỗ, chúng chứa đựng khuynh hướng, khả năng tất yếu chuyển thành các khái niệm, phạm trù, quy luật, nguyên lý về lịch sử và hệ thống của chúng; ở chỗ chúng đóng vai trò tiền đề, cương lĩnh cho việc xây dựng học thuyết khoa học về lịch sử. Thiếu sự chuẩn bị những tư tưởng đó thì không thể có các khái niệm, phạm trù, quy luật triết học về lịch sử, cũng như toàn bộ hệ thống quan điểm duy vật về lịch sử.

Giai đoạn thứ hai: Sự ra đời của quan niệm duy vật về lịch sử. Mốc thời gian của nó được xác định là vào khoảng từ năm 1845 đến 1848. Những tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn này là “Hệ tư tưởng Đức” (chủ yếu là chương 1), “Bức thư Mác gửi V.Annencốp, ngày 28 tháng Chạp năm 1846”, “Sự khốn cùng của triết học”, “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”.

Trong “Hệ tư tưởng Đức”, lần đầu tiên Mác và Ănghen đã trình bày nội dung cơ bản hầu hết các khái niệm, phạm trù, quy luật và nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử một cách có hệ thống. Điều đó cho thấy quan niệm duy vật về lịch sử đã ra đời. Luận điểm của Ănghen trong “Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất” cuốn “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” đã xác nhận điều đó. Nhưng trong tác phẩm này vẫn còn những khái niệm, quy luật, quan điểm chưa được trình bày thật rõ ràng, đày đủ về nội dung cũng như hình thức thể hiện chúng. Trong “Bức thư gửi V.Annencốp, Mác đã trình bày rõ ràng, chính diện hơn khái niệm hình thái kinh tế - xã hội và trình bày sâu sắc hơn quan điểm của ông về xu thế chung, tất yếu của lịch sử. Với tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học” Mác đã vạch ra đặc trưng cơ bản nhất của phương thức sản xuất là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, được biểu hiện ở công cụ lao động và dùng từ “quan hệ sản xuất” thay cho “hình thức giao tiếp” để chỉ quan hệ sản xuất. Đặc biệt, trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” Mác và Ănghen đã trình bày sâu sắc, toàn diện nội dung học thuyết khoa học về giai cấp để luận chứng cho tính tất yếu của cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản; tính tất yếu khách quan của cách mạng vô sản. Có thể coi “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” là tác phẩm đánh dấu sự hoàn thành quá trình ra đời của chủ nghĩa duy vật  lịch sử, vì trong đó, quan niệm duy vật về lịch sử đã được kết tinh lại trong học thuyết về giai cấp, về đấu tranh giai cấp và thực sự trở thành cơ sở lý luận, phương pháp luận khoa học cho việc đề xuất những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, xác lập những nguyên tắc cơ bản cho việc nghiên cứu kinh tế, chính trị học sau này. Hơn nữa, nó còn chứng tỏ rằng, quan niệm duy vật về lịch sử đã có thể áp dụng vào việc tổ chức thực hiện cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, trước hết là thành lập Đảng cộng sản, đội tiên phong chiến đấu của nó.

Giai đoạn thứ ba: Thời gian từ năm 1848 đến năm 1924 là giai đoạn phát triển của quan niệm duy vật về lịch sử. Quá trình này được thể hiện ở một loạt các tác phẩm tiêu biểu của Mác, Ănghen và Lênin. Từ khoảng 1850 cho đến cuối đời, Mác đã giành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu kinh tế chính trị học. Sự ra đời của “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị” đặc biệt là bộ “Tư bản” đã chứng minh chi tính khoa học của quan niệm duy vật về lịch sử, nhất là của học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội. Lênin cho rằng với tác phẩm “Tư bản”, quan điểm duy vật về lịch sử đã từ một giả thuyết “trở thành một lý luận được kiểm nghiệm một cách khoa học”. Thành công của Mác trong việc nghiên cứu kinh tế chính trị học đã làm cơ sở cho việc rút ra những kết luận khoa học về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và khả năng thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội. Ănghen và Lênin đã đem quan niệm duy vật về lịch sử và những kết quả nghiên cứu kinh tế chính trị học của Mác vào việc xây dựng, phát triển hoàn chỉnh hơn nội dung của chủ nghĩa xã hội khoa học. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sự ra đời của chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở nước Nga, xét về mặt lý luận, trước hết là thắng lợi của chủ nghĩa duy vật lịch sử, của một học thuyết triết học khoa học về lịch sử - “thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”.

Trong khi vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử vào kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học và việc tổ chức cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nó cả về nội dung những phạm trù, quy luật, quan điểm nhất định cũng như tính hệ thống của nó. Đó là sự trình bày một cách cô đọng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội trong “Lời tựa” của “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị”, là việc trình bày quan điểm của thời kỳ quá độ giữa các hình thái kinh tế xã hội trong “Phê phán cương lĩnh Gôtha”. Trong “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” bằng những tài liệu nghiên cứu về thời tiền sử của loài người, Ănghen đã chứng minh cho sự tồn tại của giai đoạn đầu tiên – hình thái xã hội ban đầu của xã hội loài người. Lênin đã bổ sung và làm sáng tỏ hơn mặt nhận thức luận của khái niệm hình thái kinh tế - xã hội với tư cách là quá trình lịch sử tự nhiên, nội dung học thuyết về nhà nước và cách mạng…và những nội dung khác của chủ nghĩa duy vật lịch sử trong một loạt tác phẩm của ông, tiêu biểu như: “Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao”, “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác”, “Nhà nước và cạch mạng”…

Như vậy, có thể thấy những đặc trưng nổi bật của quá trình phát triển của quan niệm duy vật về lịch sử chính là ở chỗ, nó được vận dụng và vận dụng thành công trong các khoa học lý luận khác của chủ nghĩa Mác – kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học và trong thực tiễn cách mạng của giai cấp công nhân. Không những thế, sự phát triển của chủ nghĩa duy vật lịch sử còn biểu hiện ở sự tự hoàn thiện của nó bằng việc bổ sung và làm phong phú hơn các nội dung khác nhau của nó. Những sự bổ sung và làm giàu thêm ấy cho thấy rằng, ngay cả khi quan niệm duy vật về lịch sử đã được vận dụng và vận dụng thành công cả trong nhận thức lẫn trong thực tiễn nó vẫn chưa phải là một học thuyết đã hoàn chỉnh, khi mà chính quá trình thực tiễn và nhận thức làm cơ sở, tiền đề cho nó luôn vận động và phát triển không ngừng.

Hơn bao giờ hết, nắm vững một cách có hệ thống triết học Mác và chủ nghĩa Mác, xây dựng một lối tư duy lý luận có hệ thống đang trở thành một đòi hỏi cấp bách trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Muốn đáp ứng đòi hỏi ấy, chúng ta không được phép hiểu một cách đại khái toàn bộ hệ thống lý luận Mác – Lênin, mà phải nghiên cứu để nắm vững, hiểu biết sâu sắc từng học thuyết, từng quan điểm riêng biệt của nó trong mối liên hệ mật thiết với nhau cả về mặt lịch sử cũng như nội dung khoa học của nó. Chính vì thế, việc nghiên cứu độc lập lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử là một trong những nhiệm vụ cần phải được thực hiện. Để góp phần hiểu biết chính xác, sâu sắc lịch sử đó, cần phải áp dụng một cách cụ thể quan điểm phân kỳ để xác định được những đặc điểm của các giai đoạn trong lịch sử của quan niệm duy vật về lịch sử, nhất là những đặc trưng cơ bản của nó.

 

 

 

 

 

SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP NÊU GƯƠNG NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC KINH DOANH TRONG DẠY HỌC GIÁO DỤC CÔNG DÂN Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

 

                                                                        Th.s Nguyễn Thị Linh Huyền

                                                                        Trường Đại học Tây Bắc

USING EXAMPLE SETTING METHODTO IMPROVE BUSINESS MORAL TRAINING EFFECT IN TEACHING MORAL EADUCATION AT HIGH SCHOOLS

                                                                                 M.A Nguyen Thi Linh Huyen

Tay Bac University

 

     1.  Học sinh trung học phổ thông (HS THPT) là lực lượng lao động quan trọng chuẩn bị tham gia vào nền sản xuất xã hội cần được bồi dưỡng nhiều khía cạnh đạo đức trong đó có đạo đức kinh doanh thông qua các môn học khác nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là môn Giáo dục công dân (GDCD). Đây là môn học trực tiếp giáo dục toàn diện nhân cách HS trong đó có nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức và pháp luật… được thực hiện thông qua các nội dung dạy học khác nhau nhằm đào tạo các em trở thành những  người lao động mới, những doanh nhân giỏi có đạo đức kinh doanh, có phẩm chất tốt đẹp của người công dân trong tương lai.

      Tuy nhiên  việc dạy học môn GDCD ở trường THPT nước ta hiện nay vẫn chưa  thực sự chú trọng đến vấn đề giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS. Nội dung môn học mới chỉ dừng lại ở một số vấn đề lý luận chung về đạo đức, kinh tế, pháp luật mà chưa đề cập trực diện đến những vấn đề giáo dục đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó, trong quá trình dạy học, rất ít giáo viên (GV) môn học nhận thức được tầm quan trọng cũng như chú ý đến cải tiến phương pháp dạy học nhằm tích hợp một cách hiệu quả việc giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS thông qua việc dạy học các nội dung của môn GDCD. Một trong những phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả của giáo dục đạo đức kinh doanh trong dạy học GDCD là sử dụng phương pháp nêu gương.

    2. Nêu gương là phương pháp sử dụng những điển hình, những tấm gương mẫu mực “người tốt, việc tốt” cụ thể sinh động trong đời sống để kích thích tính tích cực, tự giác của HS. Trong giáo dục, tấm gương được sử dụng như một phương tiện. Nó làm cho chuẩn mực đạo đức trở nên trực quan hơn, cụ thể hơn, có sức thuyết phục hơn. Lời nói sẽ giảm giá trị, giảm ảnh hưởng nếu nó không có các tấm gương thực tế sinh động, cụ thể của người khác chứng minh.

      Cơ chế tâm lí của phương pháp này là sự tác động qua lại giữa chủ thể và môi trường, tạo ra những ảnh hưởng tâm lí lành mạnh trong tập thể, còn gọi là “bắt chước”. Tâm lí bắt chước có mặt ở mọi lứa tuổi, được diễn ra dưới nhiều mức độ khác nhau, tuỳ thuộc vào trình độ nhận thức, nhưng tất cả đều có ý nghĩa giáo dục tốt. Đặc biệt trong dạy học môn GDCD cần giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS qua kể chuyện, nêu gương những doanh nhân mẫu mực và phê phán những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức kinh doanh là rất cần thiết.

      Để đạt được hiệu qủa giáo dục cao trong dạy học môn GDCD, GV cần chú ý:

      - Lựa chọn những tấm gương điển hình, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi tạo ra ấn tượng tốt, cảm xúc mạnh để kích thích thái độ, tình cảm lành mạnh ở HS.

      - Khi nêu gương cần phải giới thiệu sự kiện, phân tích nguyên nhân, ý nghĩa, những bài học rút ra từ những tấm gương đó, nhằm giúp HS nhận thức đầy đủ ý nghĩa và có ý thức noi theo.

      - Những tấm gương giáo dục phải có nguồn gốc rõ ràng, cụ thể, sinh động, không trừu tượng. Do vậy, tấm gương sưu tầm từ các nguồn khác nhau như: người thật, việc thật ( từ sách báo, tivi, các phương tiện thông tin đại chúng…), từ những câu chuyện kể về những doanh nhân mẫu mực.

        Phương pháp nêu gương dựa vào tính bắt chước, tính ưu thế của tư duy trực quan. Nêu một tấm gương tốt để HS soi mình vào mà học tập, cố gắng thực hiện những hành động, hành vi, việc làm cụ thể như những tấm gương đó. Những mẫu mực cụ thể sẽ làm cơ sở, chỗ dựa quan trọng cho sự hình thành ý thức đạo đức của các em đầy đủ hơn. Bởi vậy, nêu gương được sử dụng với phương pháp khuyến khích, đàm thoại, kể chuyện.

    Có thể tiến hành phương pháp nêu gương theo các bước sau:

       Bước 1: Chuẩn bị

      GV cần lựa chọn những tấm gương phù hợp với nhiệm vụ, nội dung giáo dục, đặc điểm đời sống, khả năng kinh nghiệm của học sinh. Các tấm gương có thể lấy từ các cá nhân trong cộng đồng, các phương tiện truyền thông… Tuy nhiên, các tấm gương đó cần mang tính chất tiêu biểu, mẫu mực, gần gũi với cuộc sống. Ngoài ra, GV có thể chuẩn bị những bức ảnh, tranh liên quan đến tấm gương minh hoạ.

      Bước 2: Nêu gương

      Bằng biện pháp kể chuyện, đàm thoại, giải thích, trình bày, trực quan… GV giúp HS ý thức được tấm gương đó là tốt và vì sao tốt. Trên cơ sở đó, các em sẽ rút ra kết luận phù hợp để cần bắt chước hay tránh tấm gương vừa nêu. Điều quan trọng ở đây là việc nêu gương phải gây được ở các em ấn tượng, cảm xúc, làm cho các em ghi nhớ tấm gương lâu hơn và điều đó luôn nhắc nhở các em cần phải cố gắng học tập, vươn lên trở thành những người tốt, điển hình trong xã hội.

      Bước 3: Tổng kết

      Sau khi nêu gương, GV yêu cầu HS rút ra những bài học từ những tấm gương đã nêu. Từ đó các em nhận thấy cần phải làm gì để trở thành những tấm gương, những điển hình sáng trong xã hội.

3. Trong dạy học GDCD ở THPT, GV có thể sử dụng phương pháp nêu gương như một biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức kinh doanh thông qua việc nêu những tấm gương mẫu mực, gần gũi với cuộc sống hàng ngày trong các hoạt động kinh tế như: những doanh nhân thành đạt trên thế giới và trong nước, hay điển hình nhất là những tấm gương làm giàu từ hai bàn tay trắng, khởi nghiệp từ nông thôn… Do vậy, ngoài việc dạy học những tri thức cơ bản trong sách giáo khoa, GV có thể tiến hành lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức kinh doanh cho HS đan xen trong những nội dung dạy học phù hợp.

     Ví dụ: Trong GDCD lớp 11, bài 1: “Công dân với sự phát triển kinh tế”, để làm cho bài học thêm phong phú và kích thích tính tích cực, tự giác của học sinh, GV có thể nêu một số tấm gương tiêu biểu, điển hình về làm kinh tế giỏi như:

             1.NguyễnThị Ngọc Chúc (37 tuổi): Là doanh nhân nữ duy nhất trong tổng số 10 người đoạt giải. Chị là giám đốc công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hoàng Quan, khá vất vả khi khởi đầu sự nghiệp do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Lên 9 tuổi chị mới được cắp sách đến trường, nhưng sau khi tốt nghiệp PTTH đành phải bỏ lại sau lưng ước mơ về giảng đường đại học để bước vào đời với công việc tại một công ty sản xuất, xuất khẩu nông sản. Sau đó, chị lại đến với ngành keo dán công nghiệp như một cơ duyên, bởi chồng chị là một kỹ sư hoá chất. Tìm hiểu chợ đầu mối hoá chất ở Kim Biên, chị quyết định chọn mặt hàng keo dán đa năng (keo 502) làm sản phẩm tiên phong tấn công thị trường.

        Với quyết tâm cao, tự tìm tòi và học hỏi, Ngọc Chúc đã nhanh chóng đưa sản phẩm keo dán công nghiệp của Hoàng Quan có mặt khắp trên thị trường và đạt huy chương vàng Hội chợ quốc tế Công nghiệp, cúp vàng thương hiệu năng động năm 2004… Chữ “tín” luôn được chị đặt len hàng đầu trong công việc kinh doanh. Nó là phương châm hoạt động chính của cơ sở Hoàng Quan. Chính điều này đã giúp chị thành công rất nhiều trong công việc do được đối tác tin cậy. Và anh em trong công ty quý trọng bởi sự gần gũi giúp đỡ và truyền lại cho thế hệ sau kinh nghiệm làm việc bằng cả nhiệt huyết tuổi trẻ của mình.

2. Trịnh Thế Đức: Từ một anh công nhân “mảnh đất cắm dùi không có” nhưng với khát vọng làm giàu, vượt qua chính mình, chàng thanh niên trẻ đất Hưng Yên đã từng bước vươn lên làm chủ công nghệ, trở thành Giám đốc công ty Điện lạnh Việt Đức ( Cầu Giấy, Hà Nội). Chia sẻ bí quyết thành công, Đức cho hay: để có tên tuổi, để trụ vững trên thương trường thì một trong những nguyên tắc nghề nghiệp sống còn là doanh nghiệp phải giữ được chữ “tín” và luôn đảm bảo yếu tố “khách hàng là thượng đế”. Trong đó, sản phẩm kinh doanh phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, đồng thời phải có chế độ hậu mãi tốt…

       Qua việc nêu các tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, GV có thể yêu cầu HS về nhà sưu tầm những tấm gương người thật việc thật. Đó là những tấm gương biết vươn lên trong cuộc sống, những tấm gương làm giàu từ hai bàn tay trắng hoặc những doanh nhân thành công trên thế giới…      

        Trong bài 4, GDCD lớp 11: “Cạnh tranh trong sản xuất và lưư thông hàng hoá”, để cho bài học sinh động và HS hứng thú nhằm lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức kinh doanh hiệu quả, GV có thể nêu những tấm gương về những cá nhân, những doanh nghiệp đã thực hiện cạnh tranh lành mạnh nhằm đem lại sản phẩm có chất lượng, giá thành cạnh tranh và mẫu mã đẹp cho người tiêu dùng như các hãng điện thoại Sam Sung, Sony, Nokia….Bên cạnh đó,  khi sử dụng phương pháp nêu gương GV cũng nên nói đến những gương xấu khi lợi dụng thủ đoạn phi pháp để đạt được lợi nhuận cho bản thân mình, đó là các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn phi pháp, trốn thuế, lậu thuế, buôn bán hàng giả, hàng nhái... Từ đó để các em thấy được những hậu quả bất lợi từ việc thực hiện các hành vi trái đạo đức trong kinh doanh như phạt hành chính, phạt hình sự…để răn đe, ngăn chặn các em không “bắt chước” những hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh đó.

      Như vậy, việc sử dụng phương pháp nêu gương trong dạy học GDCD sẽ giúp cho HS tiếp thu bài một cách tự giác, tích cực, chủ động và hứng thú hơn. Nếu GV sử dụng nhuần nhuyễn và kết hợp với các phương pháp dạy học khác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức kinh doanh trong dạy học GDCD cho HS ở THPT.

            

Tóm tắt: Giáo dục đạo đức kinh doanh là một nội dung quan trọng trong dạy học GDCD ở THPT nhằm đào tạo các em trở thành những  người lao động mới, những doanh nhân giỏi có đạo đức kinh doanh, có phẩm chất tốt đẹp của người công dân trong tương lai. Một trong những phương pháp để nâng cao hiệu quả của giáo dục đạo đức kinh doanh là sử dụng phương pháp nêu gương trong dạy học GDCD. Sử dụng phương pháp nêu gương sẽ giúp cho HS tiếp thu bài một cách tự giác, tích cực, chủ động và hứng thú hơn. 

    

Abstract: Moral education in business is an important content in teaching moral education subject at high schools which aims at training students to become modern employees who are both good at business and be professional etiquette citizens in the future. One of effective methods in teaching business moral is to set example in training moral education at high schools which helps students be more positive, more active and more interested in their learning.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Vũ Đình Bảy (chủ biên). Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông. NXB Giáo dục, H.2010.

2.     Nguyễn Văn Cư – Nguyễn Duy Nhiên. Dạy và học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông. NXB Đại học Sư phạm, H.2008.

3.     PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân. Giaó trình đạo đức kinh doanh và văn hóa công ty. NXB Đại học kinh tế quốc dân, H.2012.

4.     Bộ Giáo dục và Đào tạo, SGK GDCD lớp 10, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006.

5.     Bộ Giáo dục và Đào tạo, SGK GDCD lớp 11, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006.

6.     Bộ Giáo dục và Đào tạo, SGK GDCD lớp 12, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006.

 

 

 

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC CÁC MÔN CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC CHO SINH VIÊN KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

 

                                                                                           TS. Lê Thị Vân Anh

Nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng là một yêu cầu vừa cấp bách và lâu dài đối với sinh viên khoa Lý luận chính trị. Để góp phần nâng cao chất lượng dạy học các môn chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học ở Đại học Tây Bắc cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

1. Bám sát đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát, vận dụng của chủ nghĩa xã hội khoa học

Chủ nghĩa Mác-Lênin gồm có 3 bộ phận hợp thành: triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Mỗi bộ phận là một khoa học tương đối độc lập, có đối tượng nghiên cứu riêng, có hệ thống phạm trù, quy luật riêng. Triết học Mác-Lênin và kinh tế chính trị Mác-Lênin là cơ sở lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa xã hội khoa học là những quy luật và tính quy luật chính trị-xã hội của quá trình phát sinh, hình thành và phát triển của hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa; những nguyên tắc cơ bản, những điều kiện, con đường, hình thức và phương pháp đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân để thực hiện quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Vậy nên, giảng viên cần nhận thức và làm rõ tính sáng tạo và biện chứng, tính cách mạng và khoa học ngay trong đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa xã hội khoa học bởi đó chính là giá trị và sức sống của khoa học này.

2. Thiết kế bài giảng phù hợp với đối tượng

Năm 2004 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành giáo trình quốc gia và đề cương bài giảng môn chủ nghĩa xã hội khoa học, tái bản có sửa chữa, bổ sung lần vào năm 2005, 2006. So với giáo trình cũ trước đây, giáo trình mới hiện nay có nhiều ưu điểm cả về kết cấu chương trình cũng như nội dung kiến thức, bảo đảm tính khoa học, tính thống nhất trong khung chương trình đào tạo. Tuy nhiên, thực tiễn giảng dạy những năm qua cho thấy rằng, dù đã tái bản lần thứ hai nhưng giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là khối lượng kiến thức quá nhiều, nặng về lý luận, lý thuyết. Một số chương, mục kết cấu chưa rõ ràng, nội dung còn dàn trải, trùng lặp. Phần lớn nội dung của giáo trình mang tính áp đặt, đem lại cho người học sự thừa nhận một cách xuôi chiều, tính thực tiễn và tính phê phán còn ít. Kết cấu nội dung chương trình vẫn còn nhiều vấn đề thuộc loại “khó giảng”, “khó học”, chưa thực sự thuyết phục người học cả về lý luận và thực tiễn. Do vậy, để dạy tốt đòi hỏi giảng viên phải nghiên cứu giáo trình, tài liệu tham khảo kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của bản thân đểthiết kế bài giảng phù hợp với đối tượng sinh viên trường Đại học Tây Bắc.

3. Nghiên cứu và sử dụng hợp lí kinh điển

Nghiên cứu và sử dụng hợp lý kinh điển là một việc cần thiết, là yếu cầu bắt buộc đối với giảng viên các môn lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và môn chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, nhất là đối với các giảng viên đang giảng dạy bộ môn này ở các lớp chuyên ngành.

Kinh điển là quan điểm “gốc” của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là những tác phẩm (bài nói, bài viết, thư,…) của C.Mác, Ph. Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã được in chính thức thành những tác phẩm riêng hoặc xuất bản theo bộ (Tuyển tập, Toàn tập). Nghiên cứu kinh điển giúp cho người giảng hiểu đúng thực chất, chính xác các quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là cơ sở lý luận tin cậy nhất trong quá trình nghiên cứu, biên soạn bài giảng. Sử dụng hợp lí kinh điển sẽ nâng cao chất lượng bài giảng, đem lại sự hấp dẫn và niềm tin cho người học. Khó có thể giảng được sâu sắc về lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa, về sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học nếu người giảng không đọc, không nghiên cứu các tác phẩm: “Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tường đến khoa học” (Ph.Ăngghen), “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác”( V.I.Lênin). Khó có thể trình bày đúng về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nếu như người giảng không nghiên cứu “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”(C.Mác và Ph.Ăngghen). Để hiểu đúng những vấn đề lý luận đang còn có nhiều ý kiến khác nhau như về sự phân kỳ hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa, người giảng cần đọc “Phê phán Cương lĩnh Gôta” (C.Mác), “Nhà nước và cách mạng” (V.I.Lênin) …

Sử dụng hợp lý kinh điển trước hết là hiểu đúng kinh điển và trích dẫn đúng chỗ, phù hợp với vấn đề. Khi cần nhấn mạnh một vấn đề, một nội dung nào đó thì cần thiết phải sử dụng kinh điển. Những câu trích kinh điển có chiều sâu sẽ giúp cho người học hiểu rõ, nắm vững hơn nội dung bài giảng.

4. Cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của sinh viên

Hiện nay, dù đã chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ nhưng phương pháp giảng dạy các môn lý luận Mác-Lênin nói chung và môn chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng ở Đại học Tây Bắc chủ yếu vẫn là thuyết trình, độc thoại trên lớp. Đây là phương pháp truyền thống, đã trở nên quen thuộc đối với hầu hết các giảng viên vì những ưu điểm của nó. Tuy nhiên, để khắc phục hạn chế của phương pháp này đòi hỏi giảng viên phải kết hợp với các phương pháp khác nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thực của sinh viên. Trong đó, nên kết hợp phương pháp thuyết trình với nêu vấn đề, vấn đáp và đối thoại. Sự kết hợp này cùng một lúc phát huy được những ưu điểm và khắc phục được những hạn chế của từng phương pháp, hạn chế tính thụ động, ỷ lại trong việc tiếp thu kiến thức của sinh viên, buộc người học phải tập trung vào bài giảng, phải suy nghĩ, đóng góp ý kiến xây dựng bài học. Sự kết hợp này đòi hỏi cả thầy và trò phải nỗ lực cao, phải đầu tư nhiều thời gian và công sức cho bài học. Ngoài ra, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên tự học (hướng dẫn cách ghi chép, đọc tài liệu, chuẩn bị nội dung Seminar…).

5. Chú ý liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong từng bài giảng, giảng viên cần chú ý liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Có thực tiễn minh họa bài giảng sẽ hay hơn và sinh động hơn, người học sẽ tiếp thu nhanh và dễ hiểu bài. Tuy nhiên, không phải tất cả các nội dung trong bài giảng đều có ví dụ thực tế, mà phải tuỳ thuộc vào từng vấn đề cụ thể. Với những nội dung quan trọng, cần thiết phải làm rõ hay muốn tăng thêm tính thuyết phục cho người học dễ hiểu thì giảng viên phải chú ý liên hệ thực tiễn. Các sự kiện thực tế đưa vào bài giảng phải có thực, có ý nghĩa, mang tính điển hình, tính thời sự và phải có sự phân tích, lý giải ở những mức độ nhất định để bảo đảm sự thống nhất, sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn.

Trên đây là một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy học các môn chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung. Để thực hiện tốt các giải pháp trên, tôi xin kiến nghị một số vấn đề như sau:                 

Một là, giảng viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình hơn nữa trong quá trình dạy học. Bởi vì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: một tấm gương sống có giá trị hơn gấp trăm lần bài diễn văn tuyên truyền. Chính từ tấm gương của thầy cô các em sẽ ấp ủ để mai này tiếp tục ươm mầm cho thế hệ tương lai.

Hai là, tích cực trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Ba là, vận dụng hợp lý các phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo các phương tiện dạy học góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Bốn là, quan tâm nhiều hơn đến sinh viên, tạo điều kiện cho các em có cơ hội rèn luyện, thử sức, tham gia nhiều sân chơi có ích cho rèn luyện nghiệp vụ. Đó cũng là một tiêu chí phục vụ quá trình đổi mới giáo dục hiện nay.

 

 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG RÈN LUYỆN NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CHO SINH VIÊN GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC HIỆN NAY

 

Th.S Nguyễn Thị Linh Huyền

Khoa Lý luận chính trị

 Một trong những mục tiêu của đào tạo cử nhân ngành Giáo dục chính trị thuộc khối ngành sư phạm có kiến thức vững vàng về khoa học lý luận chính trị và khoa học giáo dục; Có đạo đức, tác phong của người cán bộ cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm cao, say mê nghề nghiệp. Có kĩ năng sư phạm, vận dụng tốt phương pháp dạy học chung và phương pháp dạy học Giáo dục công dân và các môn Lý luận chính trị; có khả năng tiếp cận và xử lý các tình huống chính trị; tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu về chất lượng ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục và các công tác khác trong hệ thống chính trị. 

Để đảm bảo mục tiêu đó, môn PPDH môn GDCD hướng tới trang bị cho SV những kiến thức cơ bản về lý luận dạy học môn GDCD ở trường THPT; Củng cố lại các kiến thức cơ bản của triết học Mác – Lênin, kinh tế chính trị Mác- Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học và pháp luật chuyên ngành cho SV; Hướng dẫn để SV thực hành giảng các nội dung trong sách giáo khoa GDCD lớp 10,11,12. 

Nhằm góp phần vào việc thực hiện mục tiêu môn học, qua thực tiễn giảng dạy tôi xin đưa ra những nhận định về việc RLNVSP của SV khoa ta hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp để nâng cao năng lực RLNVSP cho SV ĐH GDCT ở trường ĐH Tây Bắc.

        Năng lực nghề nghiệp của SV trong dạy học GDCD là kết quả tổng hợp của 3 thành tố: kiến thức chuyên môn về GDCD, nghiệp vụ sư phạm về GDCD và thái độ đối với nghề dạy học GDCD. Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho SV trong dạy học GDCD chính là làm thế nào để nâng cao chất lượng của 3 thành tố này, trong đó nâng cao chất lượng của RLNVSP về GDCD chính là nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng nghề GV môn GDCD.

       Với đặc thù của trường trên địa bàn Tây Bắc, số lượng sinh viên người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao, số lượng SV khoa lý luận chính trị trong những năm gần đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số (có cả SV quốc tịch Lào) các em nhút nhát trong giao tiếp, phát âm tiếng phổ thông còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các kiến thức khoa học chuyên ngành chưa cao, còn thụ động trong việc học các môn chuyên ngành nói chung và môn PPDH môn GDCD nói riêng. Qua hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc rèn nghề của các em tôi thấy SV còn yếu, còn “hổng” về kiến thức triết học, kinh tế chính trị, CNXHKH, Pháp luật… Chưa vững lý thuyết thì tất yếu chưa giỏi thực hành vì nhiều em chưa làm chủ được kiến thức nên lúng túng khi tập giảng trên bảng, không có khả năng bao quát lớp và bỏ qua khâu giải quyết các tình huống sư phạm. Hoặc có em có nắm được kiến thức cơ bản nhưng khả năng liên hệ thực tế còn hạn chế, các kỹ năng dạy học chưa đảm bảo như: trình bày bảng chưa khoa học, ngôn ngữ, văn phong diễn đạt chưa thoát ý; nhiều em còn rất lười trong việc chuẩn bị giáo án, tập giảng, ý thức rèn nghề cho bản thân của một số em còn kém, chưa có tính tự giác. Thậm chí nhiều em còn mặc cảm với môn dạy của mình do quan niệm cho rằng đây là môn phụ, không quan trọng… Nghĩa là nhiều em chưa tâm huyết, chưa yêu nghề của mình. 

        Để góp phần khắc phục thực trạng trên, theo tôi cần tập hành trụ cột trong RLNVSP.

        Sáu là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho RLNVSP. Để công tác RLNVSP đạt tới trình độ chuyên nghiệp thì SV phải có các phòng học chuyên dụng với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết (bảng, phấn, gương, camera, các đồ dùng trực quan…). Tại đây, SV có thể tập giảng, rèn luyện theo một quy trình khoa học và chỉnh sửa các thao tác nghề nghiệp chưa chuẩn, đồng thời xem và phân tích các giờ giảng mẫu qua băng hình để học tập, đúc rút kinh nghiệm…Nếu vấn đề này được đảm bảo sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng RLNVSP của SV.

       Bảy là, cần đổi mới cách kiểm tra, đánh giá trình độ NVSP của SV, để các em tự tin về kiến thức, học thật, thi thật thì cần thay đổi hình thức thi viết sang thi vấn đáp một số môn chuyên ngành như triết học, kinh tế chính trị, CNXH KH… Các môn thuộc về PP cũng cần được chuyển sang hình thức thi vấn đáp, thi giảng để đánh giá chính xác khả năng của SV và cũng tạo ra động lực phấn đấu cho các em có trách nhiệm cao đối với việc học và nâng cao tay nghề.

      Tám là, cần xây dựng và thực hiện môi trường sư phạm thân thiện, dân chủ, bình đẳng, có chính sách hợp lý về chế độ, quyền lợi để GV bộ môn PPDH GDCD thoải mái về tâm lý, yên tâm, phấn khởi làm tốt nhiệm vụ giảng dạy và phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn.